Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine ngày 10/3. Giai đoạn ủ bệnh tương đồng với các ước tính trước đây từ cơ quan y tế công cộng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 14 ngày là thời gian hợp lý để cách ly người có yếu tố dịch tễ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã áp dụng tiêu chí này trong tình hình dịch bệnh hiện nay, từ đó khuyến cáo công dân nên tự cách ly trong vòng hai tuần sau khi đi du lịch đến các khu vực có dịch như Italy, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.
Nghiên cứu cũng cho thấy các biện pháp sàng lọc và kiểm tra y tế như đo nhiệt độ tại cửa khẩu vẫn có thể để lọt nhiều bệnh nhân. Đây là lý do vì sao CDC nỗ lực sàng lọc hơn 46.000 người “có biểu hiện không đáng kể như sốt, ho và khó thở”.
Để tính toán thời gian ủ bệnh, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ hơn 180 báo cáo các ca Covid-19 tại những khu vực không có tình trạng truyền nhiễm trong cộng đồng, bệnh nhân lây nhiễm sau khi ra nước ngoài.
Nghiên cứu này được tiến hành từ sớm, khi các ca bệnh chủ yếu tập trung ở Vũ Hán, Trung Quốc. So sánh thời điểm bệnh nhân du lịch đến Vũ Hán với sự xuất hiện triệu chứng, các nhà khoa học ước tính thời gian ủ bệnh là 5 đến 12 ngày.
Covid-19 tiến triển khá nhanh trong cơ thể. Ngày đầu, bệnh nhân bị sốt, cảm thấy mệt mỏi, đau cơ và ho khan. Một số người bị tiêu chảy hoặc buồn nôn. Triệu chứng kéo dài khoảng 2 đến 3 hôm. Đến ngày thứ 5, đa số bệnh nhân biểu hiện khó thở, đặc biệt là những người cao tuổi có bệnh nền. Theo nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán, người bệnh thường nhập viện ở ngày thứ 7. Đến ngày thứ 8, các triệu chứng chuyển nặng (đối với khoảng 15% bệnh nhân), có hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS) xảy ra khi dịch lỏng tích tụ ở phổi. ARDS dễ gây tử vong.
Bill Hanage, Phó giáo sư dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Harvard nhận định “không nghiên cứu nào có thể khẳng định chính xác thời gian ủ bệnh (của Covid-19) lúc này”. Song ông cũng cho rằng ước tính của giới chuyên gia là “hợp lý”.
Đến nay, cả CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều lưu ý người nhiễm nCoV có thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Giới chuyên gia hiện chưa rõ liệu các bệnh nhân này có thể lây truyền virus hay không.
Ủng hộ quyết định cách ly 14 ngày với người về từ vùng dịch, nghiên cứu mới lưu ý biện pháp không phù hợp với một số người.
“Chúng ta đã tập trung quá lâu vào công tác phòng ngừa. Trong thời điểm virus có xu hướng lây lan mạnh mẽ hơn tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, mục tiêu cuối cùng không phải là không có trường hợp dương tính sau khi cách ly”, Justin Lessler, Phó giáo sư dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Ông nhận định trọng tâm là giảm thiểu tác động của virus đối với cộng đồng khi Covid-19 đã lan rộng, và làm chậm diễn biến của dịch bệnh.
Thục Linh (Theo CNN, Business Insider) – Vnexpress