Châu Âu đôi khi được coi là khu vực có chính sách xã hội quá hào phóng. Nhưng khi các quốc gia trên thế giới chật vật kiềm chế Covid-19, một số nhà phân tích cho rằng những chương trình xã hội và quy định bảo vệ lao động của châu Âu có thể hữu ích trong việc tránh suy thoái kinh tế do tác động của dịch.
Hệ thống y tế phổ thông của châu Âu có thể giúp chống đỡ cho nền kinh tế, bởi người dân không phải “thắt lưng buộc bụng” vì quá lo lắng tới chi phí điều trị lớn. “Nếu ở Mỹ, tôi sẽ lo lắng hơn về chi phí khám chữa bệnh”, Ángel Talavera, nhà kinh tế tại Oxford Economics ở London, nói. “Đối với người châu Âu, đó không phải là mối lo ngại”.
Italy hôm 5/3 công bố gói hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ EUR (khoảng 8,5 tỷ USD) để giúp đỡ các doanh nghiệp và gia đình chịu ảnh hưởng bởi nCoV, thêm vào khoản 900 triệu EUR được công bố hai tuần trước.
Hầu hết chính phủ châu Âu yêu cầu doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ ốm có lương. Đức, Pháp, Đan Mạch và Hà Lan là một trong những nơi người lao động được nhận 100% lương nếu họ bị bệnh, bị cách ly hoặc được chủ lao động yêu cầu ở nhà. Ở Pháp, người lao động có quyền nghỉ việc mà không bị trừ lương hoặc đối mặt với hình phạt, nếu họ tin rằng họ đối mặt rủi ro về sức khỏe khi đi làm.
Các nhân viên và công đoàn tại bảo tàng Louvre ở Paris đầu tuần trước biểu quyết nhất trí ngừng làm việc vì lo ngại du khách có thể làm lây lan virus. Ban lãnh đạo phản đối quyết định này nhưng không thể đảo ngược nó, khiến bảo tàng đông khách nhất thế giới bị đóng cửa trong ba ngày. Các nhân viên trở lại làm việc vào ngày 4/3, sau khi các quan chức công bố biện pháp y tế tăng cường.
Dễ nhận thấy hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây ra ở châu Âu. Việc hủy Triển lãm Ôtô Quốc tế Geneva tuần trước khiến ngành công nghiệp ôtô châu Âu mất một trong những sự kiện hàng đầu và hàng triệu USD họ bỏ ra để chuẩn bị đã “đổ xuống sông xuống bể”.
Một số chính phủ đang hành động quyết liệt hơn để giảm nhẹ gánh nặng tài chính, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ chiếm phần lớn hoạt động kinh tế ở châu Âu, bằng cách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và nới lỏng quy định tiếp cận nguồn tài chính của chính phủ. Pháp tuyên bố Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, có nghĩa là các nhà cung cấp không bị phạt nếu không thực hiện được hợp đồng của chính phủ.
Tại Italy, ổ dịch lớn nhất ở châu Âu, chính phủ hứa sẽ triển khai các biện pháp mà họ từng sử dụng sau các trận động đất với 11 thị trấn bị cách ly ở Lombardy và Veneto, nơi một số doanh nghiệp đang mất 100% thu nhập. Các công ty có thể nhanh chóng sử dụng trợ cấp thất nghiệp để chi trả lương cho những nhân viên đang phải nghỉ làm và họ được phép nộp thuế muộn.
Trong khi đó, các quốc gia khác đang chờ đợi cho đến khi có dấu hiệu thiệt hại kinh tế rõ ràng hơn. Tại Tây Ban Nha, các quan chức cho biết còn quá sớm để thực hiện các biện pháp can thiệp tài chính. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hứa vào tuần trước rằng chính phủ sẽ hành động nếu dịch tác động mạnh lên nền kinh tế, nhưng không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào.
Trong khi đó, các quốc gia ghi nhận dịch lây lan mạnh đang dốc toàn lực. Pháp đưa ra các biện pháp mới cho phép những phụ huynh không thể tìm được dịch vụ chăm sóc trẻ em được trả lương đầy đủ khi ở nhà trông trẻ bị cách ly. Tại Đan Mạch, phụ huynh có thể nghỉ tới 52 tuần để chăm sóc trẻ dưới 18 tuổi bị bệnh nặng.
Chủ lao động ở Anh được yêu cầu cho nhân viên nghỉ làm nếu người thân hoặc trẻ em phụ thuộc của họ bị bệnh. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tuần trước rằng hệ thống thanh toán lương cho người nghỉ ốm của nhà nước sẽ bắt đầu chi trả từ ngày đầu tiên điều trị cho những người nghi nhiễm nCoV, thay vì từ ngày thứ tư như đối với các bệnh khác.
Tại Lombardy, miền bắc Italy, Taylan Arslan, 33 tuổi, buộc phải hoãn mở xưởng làm kebab sau khi chính phủ áp đặt lệnh cấm với tất cả hoạt động kinh tế không quan trọng, khiến 57 nhân viên không thể đi làm. Theo kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ, Arslan có thể tiếp cận trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Arslan cũng sẽ nhận được 500 EUR hỗ trợ, dù số tiền này không thấm vào đâu so với khoản thu nhập anh bị mất, ngay cả khi được giảm thuế. Anh ước tính mình mất 12.000 EUR (13.500 USD) mỗi ngày.
“Chính phủ có thể giữ khoản 500 EUR mỗi tháng của họ lại”, Arslan nói, lo lắng về hàng tấn thịt bị hỏng trong tủ đông. “Tôi cần phải làm việc”.
Tuy nhiên, bản thân Italy đã đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, nợ chính phủ vượt xa tổng sản lượng kinh tế hàng năm và Rome không thể để mất niềm tin của các nhà đầu tư trái phiếu.
“Chính phủ có thể giúp đỡ trong thời gian ngắn”, Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu High Frequency Economics ở Mỹ, nói. “Nhưng chính phủ không thể hỗ trợ người dân mãi mãi”.
Phương Vũ (Theo NYTimes) – Vnexpress