‘Kẻ sát nhân’ thành khẩn

Thomas Quick cảm nhận được sự tò mò của chuyên viên trị liệu sau khi ông ta hé lộ “có lẽ tôi đã giết người”.

Đây là lần đầu tiên Thomas thấy chuyên viên tỏ ra hứng thú với mình như vậy trong một năm kể từ khi bị kết tội cướp ngân hàng và bị chuyển tới bệnh viện dành cho người không có năng lực trách nhiệm hình sự tại thành phố Sater (Thụy Điển) vào năm 1991.

Thomas Quick (tên khai sinh là Sture Bergwall) bị bắt buộc chữa bệnh sau khi bị kết tội cướp ngân hàng vào năm 1991. Ảnh: Vilhelm Stokstad, TT.
Thomas Quick (tên khai sinh là Sture Bergwall). Ảnh: Vilhelm Stokstad, TT

Trước ánh mắt khích lệ của chuyên viên, Thomas thú nhận đã sát hại Johan Asplund, bé trai 11 tuổi người Thụy Điển từng biến mất bí ẩn vào năm 1980 trên đường tới trường.

Trong những buổi trị liệu sau, Thomas tiếp tục thú nhận Johan Asplund không phải nạn nhân đầu tiên. Thomas kể năm 14 tuổi đã giết Thomas Blomgren (14 tuổi), một bé trai khác cũng biến mất bí ẩn vào năm 1964. Ông ta cho biết “Thomas Quick” – tên hiện giờ của mình được kết hợp từ tên của nạn nhân này với họ của mẹ.

Những lời thú tội gây chấn động cứ thế tuôn trào từ Thomas. Năm 1992-2001, Thomas lần lượt nhận trách nhiệm trong hơn 30 vụ án mạng chưa có lời giải tại Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, và Phần Lan. Tất cả những vụ án đều có một điểm chung: Thi thể nạn nhân không bao giờ được tìm thấy.

Dựa vào lời mô tả, Thomas bị kết tội trong 8 vụ án mạng có đủ chứng cứ, trở thành một trong những kẻ giết người hàng loạt kinh khủng nhất tại Thụy Điển, thậm chí được so sánh với Hannibal Lecter – sát nhân hư cấu trong văn học Mỹ.

Nhưng tới năm 2002, Thomas đột ngột ngưng hợp tác với cảnh sát, thoái lui khỏi sự nhòm ngó của công chúng. Nhưng câu chuyện về tên sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất bấy giờ của Thụy Điển chưa kết thúc.

Năm 2008, một nhà làm phim tài liệu được đánh giá cao tại Thụy Điển rất băn khoăn về sự im lặng đột ngột của Thomas. Vị này bỏ công rà soát 50.000 trang hồ sơ tòa án, ghi chép trị liệu, biên bản thẩm vấn,… và đi đến kết luận: 8 vụ án trên thực tế không có chứng cứ pháp y nào buộc tội Thomas, ngoại trừ lời khai của bị cáo.

Nhà làm phim chỉ ra một số nghi vấn như kẻ giết người hàng loạt thường có một cách thức gây án đặc trưng. Nhưng Thomas lại nhằm vào trẻ em, người già, cả hai giới tính, sử dụng nhiều loại hung khí và gây án tại nhiều vùng.

Theo nhà làm phim, một số lần Thomas thú nhận giết người nhưng lời khai hoàn toàn trái với thực tế. Ví dụ năm 1996, Thomas nói đã sát hại hai bé trai tại Na Uy, nhưng cảnh sát địa phương sau đó xác minh hai “nạn nhân” vẫn sống khỏe mạnh tại Thụy Điển và Canada. Dù vậy, không ai nghi ngờ lời khai từ trước tới nay của Thomas.

Không chỉ vậy, nhà làm phim chỉ ra rằng trong vụ án giết hại Thomas Blomgren năm 1964, một số người làm chứng rằng đã nhìn thấy bị cáo ở buổi lễ tại nhà thờ cùng với chị song sinh, cách hiện trường 250 dặm trong khoảng thời gian gây án. Thomas Quick thậm chí đã bị chụp ảnh.

Nhà làm phim cũng đặt nghi vấn về nghiệp vụ điều tra của cảnh sát. Ví dụ, khi Thomas thừa nhận năm 1988 đã giết hại du khách mang quốc tịch Israel tại quận Dalarna (Thụy Điển), ông ta bị cảnh sát hỏi liên tục về hung khí giết người. Sau vài lần trả lời sai (bao gồm rìu, xẻng, kích ô tô), Thomas mới có thể nói “đúng” hung khí là cây gậy gỗ. Ra tòa, sự do dự của Thomas không được nhắc tới, cáo trạng chỉ viết rằng Thomas đã xác định đúng hung khí.

Cuối cùng, để làm rõ nghi ngờ, nhà làm phim tìm gặp Thomas Quick tại bệnh viện Sater. Tại đây, nhà làm phim thấy kẻ sát nhân năm nào đã chối bỏ cái tên “Thomas Quick” và dùng lại tên khai sinh là Sture Bergwall. Đối diện chất vấn, Sture thừa nhận đã bịa đặt tất cả mọi chuyện.

Sture Bergwall kể sinh năm 1950, là con út trong gia đình 7 anh em tại thị trấn nhỏ cách thủ đô Stockholm 100 dặm. Năm 14 tuổi, Sture nhận ra mình là người đồng tính nam nhưng không dám công khai với gia đình. Để dồn nén cảm xúc, Sture tìm tới ma túy.

Năm 1990, Sture đau buồn trước cái chết của bạn trai nên nghiện hút trở lại. Năm 1991, để có tiền chơi ma túy, Sture cướp ngân hàng và bị bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Sater.

Thời điểm ấy, Bệnh viện tâm thần Sater được biết đến với liệu pháp trị liệu mới mẻ có tên “ký ức bị dồn nén”. Cán bộ y tế ở đây cho rằng nếu bị lạm dụng tình dục từ nhỏ, con người sẽ áp chế ký ức ấy, lớn lên sẽ phát tiết qua hành vi bạo lực… Từ đây, cán bộ y tế tại Sater cho rằng nếu bệnh nhân nhớ lại và đối diện với ký ức về việc bị lạm dụng, họ sẽ khỏi bệnh.

Bị giữ tại Sater, Sture chủ động tham gia vào chương trình trị liệu nhằm khôi phục ký ức bị dồn nén để “hiểu bản thân”, nhưng chào đón mỗi buổi gặp là vẻ mặt buồn chán của chuyên viên trị liệu.

Để thu hút sự chú ý của chuyên viên trị liệu, Sture nói bắt đầu “sáng tạo ký ức ấu thơ” khi kể về những lần bị bố mẹ xâm hại. Sture được kê thuốc an thần mạnh để trợ giúp việc hồi tưởng. Khi dùng thuốc, Sture có thể “nhớ lại” những lần bị bố mẹ ngược đãi, cho tới một ngày ông ta nói đã giết người.

Trong các buổi trị liệu và thực nghiệm hiện trường, Sture kể luôn ở trong trạng thái “phê” thuốc an thần benzodiazepines. Hồ sơ y tế cho thấy cứ cách vài tiếng, Sture được cho uống lên tới 20 mg diazepam, liều lượng cao đủ khiến người vốn dĩ khó kiểm soát bản thân có thể mất khả năng tự kiềm chế. Điều này có thể giải thích tại sao Sture có thể “sáng tạo” ra nhiều cảnh gây án. Sture kể còn được cho mượn sách, xem phim về sát nhân hàng loạt để trợ giúp trong quá trình “hồi tưởng”.

Sture (đội mũ) cùng cảnh sát và chuyên viên trị liệu tâm lý trong chuyến tìm thi thể nạn nhân. Ảnh: Sven Erik/PA.
Sture (đội mũ) cùng cảnh sát và chuyên viên trị liệu tâm lý trong chuyến tìm thi thể nạn nhân. Ảnh: Sven Erik/PA.

Như vòng lặp luẩn quẩn, Sture càng cung cấp nhiều lời thú tội thì càng được chuyên viên trị liệu và cảnh sát chú ý, được kê cho thêm nhiều thuốc. Tới năm 2002, khi bệnh viện Sater có bác sĩ mới không tin vào liệu pháp “ký ức dồn nén”, Sture kể đã bị cắt thuốc an thần. Khi ấy, Sture mới ý thức được hậu quả hành động và ngừng nói chuyện với cảnh sát.

Khi lời thú nhận đã gian dối của Sture được công khai, một số người vẫn tin rằng Sture có tội trong ít nhất một số vụ án vì cung cấp tình tiết chỉ kẻ giết người mới biết.

Nhưng theo Sture, nhiều thông tin ông ta kể về vụ án là do trước đó điều này đã được cảnh sát công khai trong quá trình điều tra. Những ngày thú tội đầu tiên, Sture vẫn được định kỳ rời bệnh viện và thường tới thư viện để tìm tài liệu về vụ án chưa có lời giải. Ông ta sẽ ghi nhớ những tình tiết như tư thế cơ thể, đặc điểm địa hình tại hiện trường, quần áo nạn nhân… để “hồi tưởng” trong các buổi trị liệu.

“Tôi không phải mất quá nhiều công khi kể lại chuyện, thường chỉ cần một bài báo là đủ. Phần thông tin còn lại luôn xuất hiện trong các buổi thẩm vấn có mặt cảnh sát”, Sture nói và cho hay mình chỉ cần tập trung lắng nghe và quan sát ngôn ngữ cơ thể của người đối diện để đưa ra câu trả lời chính xác.

Sau mỗi buổi trị liệu, nhân viên y tế sẽ khen ngợi ông ta vì dũng cảm đào bới lại quá khứ tội lỗi. Ít nhất hai lần, Sture được ngồi phi cơ tư nhân để tới hiện trường làm thực nghiệm hành vi gây án. Phía cảnh sát cũng tỏ ra vui mừng vì bất ngờ xuất hiện nghi phạm đáng tin giúp phá nhiều vụ án chưa có lời giải. Sture kể cảm thấy có được ánh hào quang nên tiếp tục thú tội.

Sau khi thừa nhận nói dối, Sture rút lại mọi lời thú tội trước đó và đổi luật sư bào chữa để giải oan. Tại tòa, luật sư nói phía công tố đã giấu tài liệu điều tra quan trọng. Luật sư chỉ ra thân chủ là người mắc bệnh tâm thần, khi thú tội đang chịu ảnh hưởng mạnh của thuốc an thần benzodiazepine.

Trong một số vụ, cảnh sát có thu thập được vật chứng trong lúc đưa Sture đi thực nghiệm hiện trường, nhưng kết quả giám định khi ấy đều cho thấy chúng không liên quan vụ án. Ví dụ, khi đưa Sture tới Na Uy tìm thi thể Therese Johannessen (9 tuối), cảnh sát phát hiện mảnh xương vỡ nhỏ 0,5 mm tại hiện trường nhưng không đem đi giám định ngay. Chỉ khi có yêu cầu của luật sư bào chữa, cảnh sát mới đưa vật chứng đi giám định và vỡ lẽ đây chỉ là bìa các-tông.

Vì chứng cứ buộc tội duy nhất là lời thú tội đã bị rút lại, các bản án của Sture cũng theo đó lần lượt bị hủy bỏ trong năm 2010-2013.

Tin tức về sự vô tội của Sture gây chấn động Thụy Điển. Sự việc của Sture được nhận định là vụ án oan sai nghiêm trọng nhất trong lịch sử tư pháp của quốc gia này. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tòa án Thụy Điển có thể kết tội một người chỉ dựa vào lời khai.

Năm 2014, Sture cũng được trả tự do sau 23 năm bị giữ tại bệnh viện Sater để điều trị bắt buộc. Người từng bị coi là sát nhân máu lạnh hiện sống tại một căn hộ nhỏ tại thị trấn Åre (Thụy Điển). Sture mau chóng thích ứng với cuộc sống bên ngoài như lập tài khoản Instagram để cập nhật tình hình thời tiết mỗi ngày.

Quốc Đạt (Theo The Times, The Guardian, The Local) – Vnexpress