Vì sao bảy đội F1 bất bình với điều tra về Ferrari?

Các đội không dùng động cơ Ferrari đều có mục đích riêng khi hợp sức yêu cầu điều tra tới cùng vi phạm động cơ của đội đua Italy.

Hôm 5/3, bảy đội đua không sử dụng động cơ Ferrari – gồm Mercedes, Red Bull, McLaren, Renault, Racing Point, Alpha Tauri và Williams – gửi tối hậu thư đến FIA, yêu cầu cơ quan này làm rõ vụ điều tra vi phạm động cơ của Ferrari.

Trước đó, FIA tiến hành điều tra sau khi một số đội đua đối thủ nghi ngờ Ferrari phạm luật, sử dụng quá mức tiêu hao nhiên liệu cho phép ở một số chặng đua mùa F1 2019. Nhưng kết quả điều tra của FIA không làm các đội đua hết bức xúc. FIA tuyên bố “không hoàn toàn hài lòng” với giải trình của Ferrari về việc họ có sử dụng động cơ hợp lệ trong toàn bộ mùa giải 2019 hay không. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết không thể chứng minh đội đua Italy phạm luật. FIA tuyên bố họ đã “đạt một thỏa thuận kín” với Ferrari và điều này khiến bảy đội đua nổi giận. 

Ngược dòng thời gian về mùa giải 2019, sau kỳ nghỉ hè vào tháng Tám, chiếc SF90 bất ngờ thể hiện sức mạnh vượt trội trên các đoạn đường thẳng. Ferrari giành pole sáu chặng liền, từ Grand Prix Bỉ cho tới Grand Prix Mexico. Từ Grand Prix Nga, nhiều đội đã xì xào về việc Ferrari tăng hiệu suất động cơ bằng cách sử dụng quá định mức nhiên liêu cho phép. Theo quy định về kỹ thuật của FIA, mức tiêu hao nhiên liệu tối đa của xe là 100kg/h.

Hai chiếc Ferrari dẫn đầu trên đường đua Autódromo Hermanos Rodríguez hôm 27/10/2019. Ảnh: F1.
Hai chiếc Ferrari dẫn đầu trên đường đua Autódromo Hermanos Rodríguez hôm 27/10/2019. Ảnh: F1.

Theo đề nghị của đội Red Bull, sau Grand Prix Mexico 2019, do thời gian hạn hẹp, FIA kiểm tra nhanh xe của Ferrari. Thông báo kỹ thuật của FIA sau đó cho biết động cơ và hệ thống làm mát của chiếc SF90 không có vi phạm. Tuy nhiên, sau chặng đua này, chiếc xe của Ferrari bỗng yếu đi rõ rệt ngay từ Grand Prix Mỹ, chặng đua diễn ra sau chặng Mexico đúng một tuần và các đội hầu như không áp dụng bản nâng cấp lớn nào cả.

Những nghi ngờ và cáo buộc kéo dài đến chặng đua cuối cùng của mùa giải ở Abu Dhabi (UAE), nơi Ferrari lại bị kiểm tra. Trước khi cuộc đua bắt đầu, chiếc xe của Charles Leclerc bị kiểm tra ngẫu nhiên và phát hiện có thêm 4,88kg nhiên liệu tăng so với số liệu mà đội đua Italy đã đăng ký. Sau chặng đua, Ferrari giải thích chênh lệch này là sai số trong vấn đề đo lường và chấp nhận bị phạt 50.000 USD. Nhưng Leclerc vẫn giữ  được vị trí ba. Các đối thủ của đội đua Italy thì thắc mắc tại sao FIA không kiểm tra thêm xe của Sebastian Vettel.

Các đối thủ của Ferrari không được phép kháng cao, khi FIA khẳng định họ đã kiểm tra kỹ lưỡng. Nhưng họ phàn nàn rằng khi các đội đua nhỏ như Haas (tại Monza và Austin năm 2018) và Renault (Suzuka năm 2019) đều bị huỷ kết quả thi đấu khi có vi phạm về kỹ thuật. Còn Ferrari, dù mắc lỗi tương tự, chỉ bị phạt tiền và quy vào vi phạm về thể thao, chứ không phải về kỹ thuật, dẫn tới bị trừ điểm.

Việc FIA nhún nhường trước một đội đua giàu có và có ảnh hưởng lớn như Ferrari làm các đội khác thấy không được đối xử công bằng. Các đội đều mong muốn kết quả thi đấu ở mùa giải năm ngoái có sự thay đổi.

Nhưng dù đồng thuận là vậy, trên thực tế, cả bảy đội đua đều có mục đích khác nhau khi theo đuổi tới cùng vụ kiện Ferrari.  

Sau khi kết thúc mùa 2019, Ferrari nhận 200 triệu USD tiền thưởng. Nếu bị xác định là gian lận kỹ thuật, đội đua Italy sẽ phải nộp lại số tiền trên, tương tự McLaren khi bị kết tội trong vụ Spygate năm 2007. 200 triệu USD ấy sẽ lần lượt được chia cho các đội đua còn lại. Red Bull sẽ có thêm khoảng 24 triệu USD, Alpha Tauri thì có thể có được ít nhất một nửa của Red Bull. Các đội khác sẽ cũng có được hàng chục triệu USD – khoản tiền đáng kể với ngân sách của các đội đua nhỏ như Williams hay Haas.

Mercedes không có nhiều lợi ích, cả về mặt kinh tế lẫn giải thưởng, nếu Ferrari bị phạt. Nhưng lãnh đội Mercedes, Toto Wolff từng bị đội đua Italy ngăn cản trong cuộc đua tranh vào Ban điều hành F1, và vì thế, việc cầm đầu nhóm phản đối FIA đòi trừng phạt Ferrari, được xem là đòn trả đũa của người đứng đầu Mercedes. 

Toto Wolff trong một lần trò chuyện với tay đua Ferrari Sebastian Vettel ở Singapore năm ngoái. Ảnh: LAT.
Toto Wolff trong một lần trò chuyện với tay đua Ferrari Sebastian Vettel ở Singapore năm ngoái. Ảnh: LAT.

Racing Point là đội đua hợp tác kỹ thuật với Mercedes nhiều năm nay kể từ khi đứng tên Force India. Ông Lawrence Stroll, chủ sở hữu mới của đội đua này và là bố tay đua Lance Stroll, cũng là bạn thân của Toto Wolff. Vị này còn có cổ phần trong đội đua nước Đức. Vì thế, việc Racing Point sát cánh cùng Mercedes theo đuổi vụ kiện cáo không gây bất ngờ.

Renault thì theo đuổi vụ kiện cáo vì bất bình với cách FIA thiên vị Ferrari. Năm 2019, đội đua nước Pháp bị hủy kết quả tại Suzuka vì vi phạm thiết kế kỹ thuật. Nếu Ferrari bị phạt thì Renault sẽ leo lên vị trí thứ tư trên bảng thứ bậc, bằng mùa 2018, qua đó dễ dàng hơn xin kinh phí từ công ty mẹ.

Với McLaren, động cơ khiến họ đứng chung liên minh kiện Ferrari không chỉ nằm ở món tiền thưởng. Đội đua này từ lâu đã kình địch với Ferrari và không hài lòng với FIA về các quy định kỹ thuật. Nếu Ferrari bị phạt, có khả năng McLaren sẽ đứng thứ ba, vị trí mà họ chưa chạm tới kể từ năm 2012. Đội đua Anh cũng lo xa rằng việc để FIA dễ dãi với Ferrari sẽ tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại khi áp dụng Quy định thắt chặt tài chính kể từ mùa giải 2021.

Minh Phương – Vnexpress