Cổ phiếu ngân hàng ngược dòng Covid-19

VN-Index giảm gần 10% từ đầu năm do diễn biến bất thường của Covid-19, nhưng nhóm ngân hàng vẫn ngược chiều tăng mạnh, có cổ phiếu lên gấp đôi.

Ảnh hưởng từ diễn biến chung thị trường thế giới và tâm lý lo ngại tác động Covid-19 đến kinh tế, VN-Index đã giảm liên tục từ đầu tháng 2. So với đầu năm, chỉ số đại diện Sở HoSE giảm hơn 7,3%, về dưới vùng 900 điểm, và cũng mất gần 10% so với mức đỉnh ngắn hạn ngày 22/1.

Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành tăng giá, trong đó ngân hàng là ví dụ. Dù có sự phân hóa trong nội bộ ngành, những cái tên đứng đầu nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tăng hai con số, thậm chí hơn gấp đôi so với đầu năm. 

SHB khởi đầu năm 2020 với thị giá chưa tới 6.000 đồng, là một trong những nhà băng có giá cổ phiếu thấp nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng, thị giá SHB đã tăng lên gấp đôi, vượt mệnh giá. Cổ phiếu VPBank so với đầu năm cũng tăng gần 40%, trong khi ba mã còn lại trong top 5 là CTG, STB và LPB cũng tăng trên 20%.

Tuy nhiên, một số mã ngân hàng cũng chịu biến động tiêu cực, như MBB giảm hơn 1% so với thị giá đầu năm, EIB giảm 3%, TCB và VCB giảm 6%. Dù vậy, biên độ giảm vẫn thấp hơn biến động thị trường chung khi VN-Index mất 7,3% so với đầu năm.

Diễn biến tích cực nhưng phân hóa của ngành ngân hàng, theo giới phân tích, đi theo yếu tố nội tại của từng nhà băng hơn là một xu hướng chung. 

Với trường hợp SHB, đà tăng cổ phiếu này bắt đầu từ đầu năm và tăng tốc từ cuối tháng 2 đi theo hàng loạt thông tin mới công bố. Kết thúc năm 2019, SHB cho biết đã mua lại toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC. Ngoài yếu tố quản trị rủi ro, điều này còn cho phép ngân hàng trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% cho hai năm 2017 và 2018.

Ngoài kế hoạch chia cổ tức, SHB cũng đã có phương án phát hành hơn 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1. Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng vốn tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng hơn 4.600 tỷ để mở rộng quy mô cho vay và 850 tỷ đồng để đầu tư hệ thống.

Với VPB, ngoài câu chuyện lợi nhuận trở lại mức tăng hai con số, sự thay đổi của  ngân hàng này nằm ở câu chuyện nợ xấu khi đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank bao gồm cả dư nợ trái phiếu tại VAMC giảm từ 4,01% cuối năm 2018 xuống còn 2,18%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất về dưới 3%.

Với cấu trúc hoạt động nghiêng về bán lẻ, tài chính tiêu dùng có độ rủi ro cao, việc kiểm soát nợ xấu và chi phí hoạt động mở ra cơ hội cho VPBank những năm tiếp theo. Hầu hết công ty chứng khoán trong báo cáo mới đây đều tăng mức giá mục tiêu cho nhà băng này. Trong báo cáo mới từ SSI, lợi nhuận VPBank năm 2020 ước tính có thể tiệm cận với Techcombank và BIDV, đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Khác với SHB và VPB, đà tăng của CTG đến từ sự phục hồi trong kết quả kinh doanh năm 2019 sau đà giảm tốc bất ngờ quý IV/2018. Kết quả này được xem là một “bất ngờ”, bởi tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ duy trì ở mức một con số. Tuy nhiên, sự chuyển dịch từ việc tăng thu nhập ngoài lãi, chuyển từ bán riêng lẻ sang bán theo chuỗi liên kết, bán chéo đã tạo hiệu ứng tích cực.

Ở chiều ngược lại, ngoài áp lực giảm từ thị trường chung, MBB hay VCB cũng không biến động quá lớn nếu nhìn trong trục thời gian dài hơn. Như VCB, thuộc nhóm giảm mạnh nhất từ đầu năm nhưng trước đó cổ phiếu này đã tăng nhanh trong nửa cuối năm 2019. Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2019, cổ phiếu VCB đã tăng hơn 35% từ vùng giá 65.000 lên mức đỉnh trên 90.000 đồng.

Trong báo cáo của SSI Research, 18 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán mang lại 110.662 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm hơn một phần ba tổng của toàn bộ doanh nghiệp trên sàn. 

Theo nhóm phân tích, động lực tăng lợi nhuận chính của nhóm ngân hàng do tăng thu nhập lãi ròng (NII). Tổng nguồn thu này đạt hơn 231.600 tỷ đồng, tăng hơn 22%, do các nhà băng tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động. Ngược lại, chi phí hoạt động và trích lập dự phòng đều tăng thấp hơn tốc độ tăng thu nhập hoạt động. 

Minh Sơn – Vnexpress