Trong số 2.400 hành khách đang mắc kẹt trên du thuyền Grand Princess ngoài khơi San Francisco, bang California, Mỹ, ít ai đối mặt với rủi ro cao như bà Kari Kolstoe, một phụ nữ đã nghỉ hưu ở bang Bắc Dakota đang mắc ung thư giai đoạn 4.
Bà và chồng, ông Paul, 61 tuổi, xem chuyến đi đến Hawaii trên tàu Grand Princess như một kỳ nghỉ ngắn và cần thiết sau một thời gian dài điều trị bệnh. Tuy nhiên, viễn cảnh cách ly hai tuần khiến bà lo lắng bởi có thể sẽ phải trì hoãn đợt hoá trị tiếp theo dự kiến diễn ra đầu tuần tới.
“Tình hình rất bấp bênh”, bà cho hay trong cuộc điện thoại từ tàu hôm 6/3. “Tôi lo rằng mình sẽ không thể quay về”.
Bên cạnh nỗi lo vì đang mang trong mình căn bệnh ung thư là nỗi sợ bị nhiễm nCoV, loại virus đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi có bệnh lý nền và hệ miễn dịch suy yếu.
“Tôi rất có nguy cơ”, bà Kari, người đang mắc một dạng ung thư thần kinh nội tiết hiếm gặp và đã di căn ra khắp cơ thể, nói. “Tôi đang kẹt ở đây vì nhiều lý do không tốt đẹp gì”.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết 21 trong số 46 người đã được xét nghiệm trên tàu có kết quả dương tính với nCoV, bao gồm 19 thuỷ thủ và hai hành khách. Con tàu sẽ sớm được đưa tới một cảng phi thương mại và gần 3.500 người trên khoang sẽ trải qua một vòng xét nghiệm khác.
Grand Princess bị từ chối cập cảng San Francisco hôm 4/3 sau khi một số hành khách và thuỷ thủ có triệu chứng giống cúm. Ít nhất 4 hành khách tham gia chuyến du lịch từ San Francisco đến Mexico bằng con tàu này tháng trước bị nhiễm nCoV, một trong số đó đã tử vong.
“Những người cần cách ly sẽ bị cách ly”, bao gồm toàn bộ 1.100 thuỷ thủ đoàn, nhiều người trong đó có thể đã tiếp xúc với nCoV trong chuyến đi đến Mexico trước đó”, ông Pence nói.
Tuy nhiên, không rõ những người có kết quả âm tính và không có triệu chứng bệnh sẽ được xử lý như thế nào.
“Chúng tôi có thể ứng phó với những tin xấu hay bất kỳ loại tin tức gì, nhưng chúng tôi cần thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn, và đó là điều khó khăn trong hoàn cảnh này”, bà Kari nói. “Tôi có thể từ nổi điên chuyển sang buồn rồi giận dữ với du thuyền và lo lắng về sức khoẻ của tôi, lo lắng về việc không được điều trị sớm”.
Bà Kari cho rằng thuỷ thủ đoàn đã “nỗ lực hết sức” nhưng bày tỏ bức xúc khi các hành khách không được thông báo về kết quả xét nghiệm trước khi ông Pence công bố trên truyền hình. Thông báo từ thuyền trưởng được đưa ra sau đó 20 phút.
Bà Kari thường xuyên chịu đựng những cơn đau và dù những ngày này sức khoẻ đã ổn hơn, bà cảm thấy ngày càng khó chịu khi phải giam mình trong cabin của hai vợ chồng.
“Chúng tôi chỉ nhận được một tờ giấy dưới cửa ra vào nếu cần thuốc kê theo đơn trong 7 ngày tới”, bà nói. “Có hàng tá vấn đề. Tất cả chúng tôi đều có quần áo bẩn”.
Mô tả mình là một người từng rất đam mê du lịch bằng du thuyền, Kari nói rằng trải nghiệm lần này đã khiến bà thay đổi quan điểm. “Đó có thể là một rủi ro mà tôi không thể đón nhận thêm nữa”, bà nói.
Bà sống bằng niềm tin vào Chúa trong thời gian chờ đợi.
“Chúa ở bên tôi. Tôi biết là thế”, bà nói. “Tôi mới mất cha và tôi tin ông ấy đang ở trên kia, bằng cách nào đó sẽ giải quyết vấn đề nhỏ nhặt này và tôi sẽ âm tính, được đi về nhà và chữa bệnh”.
Anh Ngọc (Theo Reuters) – Vnexpress