Bị ung thư giữa dịch Covid-19 Vũ Hán

Lư Dược Tiến một tay xách xô và túi quần áo, trong khi tay còn lại giữ chặt  chiếc chăn quấn quanh con gái mắc bệnh ung thư.

Hỗ Bình, cô con gái 26 tuổi mắc bệnh ung thư máu, cần quấn chăn quanh người để giữ ấm. Nhưng quan trọng hơn, cô cần phải rời Hồ Bắc, nơi cô sinh ra và lớn lên.

Hỗ Bình bắt đầu tiếp nhận hóa trị ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc từ tháng 1. Nhưng khi Covid-19 lây lan mạnh, bệnh viện ở thành phố này rơi vào tình trạng quá tải.

Ngày 28/1, bác sĩ nói với cô bệnh viện không còn phòng nên cô phải tới nơi khác. Gia đình đã tìm đến 10 bệnh viện khác nhau ở Hồ Bắc nhưng không có nơi nào còn giường trống.

Bà Lư Dược Tiến (phải) vừa xách đồ vừa giữ chăn cho con gái trên cầu bắc qua sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tây hôm 1/2. Ảnh: Reuters.
Bà Lư Dược Tiến (phải) vừa xách đồ vừa giữ chăn cho con gái trên cầu bắc qua sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tây hôm 1/2. Ảnh: Reuters.

Nơi cô sống giáp tỉnh Giang Tây nên Hỗ Bình và mẹ đã thử tới đây để tìm bệnh viện. Nhưng sau đó họ bị mắc kẹt trên cây cầu bắc qua sông Dương Tử. Vũ Hán đã bị phong tỏa từ ngày 23/1 và các khu vực còn lại ở tỉnh Hồ Bắc cũng nhanh chóng có động thái tương tự. 

Mọi người có thể rời Hồ Bắc vì lý do y tế nhưng phải có giấy xác nhận của chính quyền. Hai mẹ con Hỗ Bình không có nên không được phép qua cầu. Khi được nhân viên trạm kiểm soát thông báo, bà Lư bật khóc nức nở. “Làm hơn hãy để con gái tôi đi. Tôi không cần đi cũng được nhưng hãy cho phép con gái tôi đi qua”, bà kêu khóc.

“Con gái tôi cần tới bệnh viện thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Con bé cần được điều trị nhưng họ không cho chúng tôi đi qua”, bà Lư nói với hai phóng viên của Reuters, Martin Pollard và Thomas Peter, đứng gần đó.

Khi cô vừa dứt lời, loa phát thanh vang lên thông báo rằng tất cả cư dân Hồ Bắc không được phép vào Giang Tây. 

“Tất cả những gì tôi muốn là cứu con gái tôi”, bà Lư nói.

Khi bà cố cầu xin và loa phát thanh liên tục thông báo, Hỗ Bình ngồi xuống đường và quấn chặt người trong chăn. Khoảng một giờ sau, xe cứu thương tới phía bên kia trạm kiểm soát và họ được phép đi qua.  

Pollard và Peter đã viết về câu chuyện này và trên các trang tin thế giới, từ Japan Times tới Gulf News, đều xuất hiện hình ảnh bà Lư khóc lóc ở trạm kiểm soát. Nhưng chuyện gì xảy ra sau đó, cho tới giờ vẫn không ai biết. 

Sau khi nhìn thấy câu chuyện của phóng viên Reuters, BBC đã tìm tới gia đình Hỗ Bình và nói chuyện với chồng tương lai của cô, Thập Tiểu Đệ. Anh đã kể cho phóng viên BBC những gì xảy ra trên cây cầu đó. 

“Mẹ vợ tôi đã khóc lóc cầu xin cảnh sát ở đó rất lâu. Cảnh sát đã hỏi lý do cụ thể và biết được vợ tôi mắc ung thư máu cần điều trị. Viên cảnh sát đó đã gọi xin chỉ thị của cấp trên. Sau khi nắm được tình hình, cấp trên của họ đã điều một chiếc xe cứu thương tới”, anh kể.

Hỗ Bình được đưa tới Bệnh viện Nhân dân số 3 thuộc Bệnh viện Đại học Y Cửu Giang. Cuối cùng, cô đã được nhập viện điều trị.

“Cô ấy giờ đang tiếp nhận điều trị rất tốt. Cô ấy phục hồi sức khỏe cũng khá nhanh vì tuổi còn trẻ”, Thập nói. 

Nhưng họ vẫn chưa hết lo lắng.

Vợ chồng Hỗ Bình không giàu có, trong khi chi phí điều trị ung thư ở Trung Quốc rất cao. Bảo hiểm y tế cũng không thể chi trả được toàn bộ chi phí này. Do đó, khi nhận được kết quả chẩn đoán bệnh, Thập đã đăng video lên mạng xã hội với tựa đề “Cô dâu của tôi bị ung thư máu, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.

Sau đó, họ đã nhận được hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền ủng hộ. “Rất nhiều người đã cố gắng giúp chúng tôi nhưng nó vẫn chưa đủ”, anh nói.

Thập đã dùng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.400 USD) tiền tiết kiệm để chạy chữa cho vợ sắp cưới, nhưng anh cho biết chi phí còn lại chủ yếu do gia đình Hỗ Bình tìm cách xoay xở.

“Gia đình cô ấy hiện không có nguồn thu nhập nào. Bố mẹ đều là nông dân và giờ cũng không thể ra ngoài làm việc vì Covid-19 bùng phát”, anh nói.

Thập không trách chính phủ hay các bệnh viện khi không tiếp nhận điều trị cho vợ anh. “Đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện đó có rất nhiều bạn học của tôi và họ đã không được nghỉ ngơi. Họ phải làm việc liên tục suốt cả ngày. Họ đã rất cố gắng”, anh chia sẻ.

Anh hiểu rằng Hỗ Bình vẫn rất may mắn khi được tiếp nhận điều trị ở Giang Tây. “Tôi từng nghe tin có một, hai bệnh nhân chết vì không tìm được nơi điều trị”, anh kể.

Nhưng anh hiểu sẽ cần thêm nhiều thời gian để cuộc sống của họ trở lại như bình thường. “Ngay cả khi cô ấy điều trị tốt, cũng cần ít nhất 2,3 năm mới có thể hoàn toàn khỏi bệnh. Và thậm chí khi cô ấy đã khỏe mạnh trở lại, bệnh vẫn có khả năng tái phát”, anh nói. 

Bà Lư Dược Tiến khóc nức nở trên cầu qua sông Dương Tử, tỉnh Giang Tây hôm 1/2. Ảnh: Reuters.
Bà Lư Dược Tiến khóc nức nở trên cầu qua sông Dương Tử, tỉnh Giang Tây hôm 1/2. Ảnh: Reuters.

Thập Tiểu Đệ gặp Hỗ Bình tại đại học cách đây 8 năm khi học cùng lớp chuyên ngành quản trị nhân lực. Họ đã yêu nhau ba năm và dự định tổ chức đám cưới vào tháng 1. Nhưng kế hoạch bị hoãn lại khi Hỗ Bình bị chẩn đoán mắc ung thư máu và Covid-19 bùng phát khắp cả nước.

Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12/2019, sau đó lan khắp các tỉnh thành khác ở Trung Quốc, khiến hơn 80.600 người nhiễm và 3.070 trường hợp tử vong. 

Tuy nhiên, Thập khẳng định đám cưới của anh sẽ chỉ hoãn lại chứ không bị hủy. “Chúng tôi tin rằng cả hai sẽ vượt qua khó khăn này và sẽ cưới nhau khi cô ấy khỏe hơn”, anh nói. 

Mẹ của Hỗ Bình, vị khách đáng kính nhất của đám cưới đó, chắc chắn sẽ khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. 

Thanh Tâm (Theo BBC) – Vnexpress