Nghiên cứu được công bố hôm 2/3 trên cổng thông tin khoa học sức khỏe Medrxiv.org do nhà di truyền học hàng đầu Trung Quốc Jin Li dẫn đầu và dựa trên dữ liệu được thu thập đến cuối tháng 2. “Nếu không có các biện pháp can thiệp quyết liệt, số bệnh nhân bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần sau mỗi 19 ngày”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nếu điều đó xảy ra, số ca nhiễm trên toàn thế giới sẽ vượt qua con số được báo cáo ở Trung Quốc đại lục trong vòng vài tháng. “Tình hình rất nguy hiểm, chúng tôi kêu gọi thế giới hành động quyết liệt vì sức khỏe cộng đồng, sử dụng kinh nghiệm từ Trung Quốc và Singapore”, các nhà nghiên cứu cho hay.
Jin là hiệu phó Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, một trong những đại học uy tín nhất của Trung Quốc. Nghiên cứu trước đó của ông đã giúp truy tìm tổ tiên chung của người Trung Quốc thời hiện đại là một bộ lạc châu Phi nhỏ bé đã đến châu Á khoảng 60.000 năm trước. Năm 2016, ông và nhóm của mình sử dụng các công cụ phân tích di truyền tiên tiến giúp cảnh sát bắt được một trong những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất tại Trung Quốc.
Nghiên cứu cũng tìm ra sự lây lan của virus bên ngoài Trung Quốc với 34 “mầm bệnh không được phát hiện”. Để lập sơ đồ sự lây nhiễm tiềm tàng của Covid-19, các nhà nghiên cứu sử dụng một mô hình tuyến tính đơn giản. Nhóm của Jin chọn kích thước mẫu có sẵn nhỏ vì cho rằng các mô hình phức tạp có thể dẫn đến kết quả khó hiểu hoặc mâu thuẫn.
“Mô hình virus lây lan rất phức tạp nhưng khác nhau trên toàn thế giới”, các nhà nghiên cứu cho hay. “Mô hình đơn giản sẽ đơn giản hóa tình huống và mang đến đánh giá phương hướng ban đầu”.
Sau khi vận hành mô hình tại trung tâm điện toán của Đại học Phúc Đán, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng dịch có thể có nguồn gốc từ 34 mầm bệnh ban đầu. Jin cho biết những “người mang mầm bệnh” này có thể không có triệu chứng và không đến bệnh viện. Họ nhiễm bệnh từ trước hoặc cùng thời điểm nCoV lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán. Người mang mầm bệnh đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc là một phụ nữ đi từ Vũ Hán đến Thái Lan. Cô được xác định nhiễm nCoV vào ngày 13/1.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 5/3 công bố 14.768 trường hợp được xác nhận bên ngoài Trung Quốc, nhiều hơn 21 lần so với con số 683 mà WHO công bố giữa tháng 2. Tại Đức, số ca nhiễm tăng gấp ba lần chỉ trong ba ngày, và tình hình ở Pháp cũng tương tự.
Tính đến sáng nay, Covid-19 đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 102.000 ca nhiễm. Các nhà khoa học khác cũng cảnh báo rằng Covid-19 có thể đang ở giai đoạn đầu.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 1, tiến sĩ Ira Longini, một nhà sinh học và cố vấn của WHO, dự đoán 2/3 dân số toàn cầu có thể bị nhiễm bệnh. Nhà nghiên cứu dịch tễ học của Đại học Harvard Marc Lipsitch cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS News đầu tuần này rằng khoảng 40-70% dân số thế giới có thể bị nhiễm bệnh.
Bất chấp những dự báo ảm đạm, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet vào tháng 1 dự đoán số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc sẽ vượt qua 160.000 vào đầu tháng 2. Tuy nhiên tính đến sáng nay, số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục chưa đến 81.000.
Những nỗ lực ngăn chặn virus lây lan của Trung Quốc, gồm phong tỏa toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, dường như đã mang lại hiệu quả. Một nhà khoa học của chính phủ Trung Quốc làm việc cho chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Bắc Kinh cho biết số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm chuyển mùa và phát triển các loại thuốc hoặc vaccine mới.
Nếu số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng nhanh và các quốc gia khác “bỏ cuộc”, các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt tại Trung Quốc có thể vô ích, dẫn đến hậu quả không thể lường trước đối với người dân và nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc gần đây chuyển trọng tâm vào việc ngăn chặn các ca nhiễm từ nước ngoài trở về, đồng thời áp đặt một số hạn chế đi lại đối với du khách từ những nước rủi ro cao như Hàn Quốc, Italy.
“Những biện pháp này không thể kéo dài. Chúng ta không thể đóng cửa với thế giới. Ngừng trao đổi quốc tế sẽ là thảm họa, đặc biệt là đối với Trung Quốc”, một nhà nghiên cứu giấu tên cho hay. “Trong thế giới ngày nay, không ai có thể sống hạnh phúc mãi mãi bằng cách chỉ giải quyết vấn đề của chính mình”.
Huyền Lê (Theo SCMP) – Vnexpress