Đường gia nhập giáo phái của tín đồ Tân Thiên Địa

Mọi chuyện bắt đầu rất tự nhiên khi hai người đàn ông tiếp cận Fiona, hỏi cô có muốn hiểu thêm về đức tin Thiên Chúa giáo của mình không.

Với Fiona (tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính), một sinh viên đại học ở Singapore, đây chính là tình huống đưa cô đến với Tân Thiên Địa, giáo phái đang là tâm điểm trong dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.

Tuần trước, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) thông báo Tân Thiên Địa có chi nhánh ở nước này và Bộ đang điều tra hoạt động của giáo phái.

Cựu tín đồ cảm thấy bị phản bội vì Tân Thiên Địa
Nhân viên y tế tẩy trùng bên ngoài một cơ sở của Tân Thiên Địa ở Daegu. Ảnh: AP.

Theo lời kể của Fiona, vào một buổi chiều Chủ nhật cuối tháng 12 năm ngoái, cô gặp hai người đàn ông tại nhà ga Dhoby Ghaut. Họ nói với cô rằng họ đang thu thập thông tin để nghiên cứu về cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa ở Singapore. Những lời họ nói có vẻ đáng tin với Fiona, một tín đồ Thiên Chúa giáo, vì thế cô quyết định nhận lời mời gặp mặt.

Khi Fiona kể về cuộc gặp với bạn bè, họ khuyên cô nên rủ người đi cùng. Mẹ Fiona đồng ý đi với cô trong cuộc hẹn đầu tiên vào ngày 11/1. Suốt buổi nói chuyện, một người đàn ông tự nhận mình là mục sư gợi ý muốn cả Fiona và mẹ cô cùng học Kinh thánh với ông ta.

“Ông ấy làm như thể tôi không hiểu tường tận về Kinh thánh”, Fiona nói. Vậy nên, cô đồng ý và 7 ngày sau, Fiona gửi cho người đàn ông một tin nhắn để sắp xếp các buổi học. Fiona bắt đầu bị cuốn vào các hoạt động của nhóm người mới quen.

Phải đến sáng 2/3, khi cha Fiona gửi cho cô một bản tin nói về Tân Thiên Địa, cô mới nhận ra mình đang quen biết ai. Đọc bản tin, Fiona thấy chính xác những hoạt động mà cô từng trải qua.

“Thành viên không được phép trao đổi liên lạc, không được phép mang sách vở về nhà. Họ được dạy rằng nói dối vì Chúa là điều có thể chấp nhận”, Fiona cho hay. “Chúa ơi, đó là những gì tôi được dạy!”, cô hét lên kinh ngạc.

Hôm 27/2, MHA cho hay họ đang điều tra chi nhánh chưa được đăng ký của giáo phái Tân Thiên Địa ở Singapore. Theo thông cáo báo chí của Bộ, Tân Thiên Địa dạy rằng hành động gian dối nhằm phục vụ ý Chúa là hoàn toàn chấp nhận được. Các thành viên không được liên lạc với nhau hay kể cho gia đình về giáo phái, phải tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn nhằm che giấu sự tồn tại của Tân Thiên Địa cũng như sự liên quan giữa họ với giáo phái.

Được thành lập năm 1984 bởi giáo chủ Lee Man-hee, Tân Thiên Địa bị nhiều quốc gia mô tả là dị giáo vì những giáo lý không chính thống mà họ đưa ra, theo MHA. Giáo chủ Lee tự nhận mình là đấng Jesus thứ hai được đề cập trong Kinh thánh và sẽ mang 144.000 tín đồ lên Thiên đàng cùng mình vào Ngày Phán xét.

Tân Thiên Địa có hơn 1.000 chi nhánh tại Hàn Quốc và hàng trăm nghìn thành viên trên toàn thế giới. MHA cho rằng chi nhánh Tân Thiên Địa ở Singapore có chưa đến 100 thành viên, bao gồm cả người địa phương và người nước ngoài.

Fiona bắt đầu tham gia các buổi học riêng với vị mục sư cô gặp tại ga tàu điện ngầm từ giữa tháng một. Họ thường gặp nhau tại các khu ẩm thực hay nhà hàng. Sau buổi gặp thứ 5, Fiona được đề nghị tham gia một nhóm cùng những học viên khác. Các buổi học sẽ diễn ra trong vòng 4 tháng.

Đến ngày 10/2, cô bắt đầu học cùng 8 người khác. Nhóm gặp nhau hai tiếng vào sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần tại khu Marymount. Địa điểm học không có biển hiệu đề tên giáo phái, nhưng Fiona không cảm thấy lạ vì cô cho rằng đây chỉ là nơi họ thuê tạm vài tháng.

Mỗi buổi học bắt đầu bằng việc họ hát một bài hát ca ngợi Thiên Chúa, sau đó cầu nguyện và nghe giảng trong khoảng 90 phút. Họ thường đào sâu vào các dụ ngôn trong Kinh thánh trước khi kết thúc buổi học bằng màn thảo luận chung.

Trong những buổi học này, Fiona và bạn học phải thực hiện những hoạt động không chính thống.

Giáo chủ Tân Thiên Địa Lee Man-hee tại cuộc họp báo ở Gapyeong, Hàn Quốc, ngày 2/3. Ảnh: AFP.
Giáo chủ Tân Thiên Địa Lee Man-hee tại cuộc họp báo ở Gapyeong, Hàn Quốc, ngày 2/3. Ảnh: AFP.

Họ được phép ghi chép nhưng không được mang về nhà. Thay vào đó, giáo viên sẽ giữ sách vở hộ họ và trả lại trước mỗi buổi học. Họ được yêu cầu không nói với ai về những gì diễn ra trong các buổi học. Mang người mới đến lớp là điều cấm kỵ.

Trong một buổi học, Fiona còn được yêu cầu liệt kê những lý do để nói với người khác nếu họ hỏi cô đang làm gì với nhóm. Fiona cho hay cô không tiết lộ với bất kỳ ai về những gì diễn ra trong các lớp học.

“Tôi thấy không thoải mái nhưng tôi chấp nhận bởi họ thuyết phục tôi rằng tôi đang làm theo ý Chúa và để tiếp tục việc học tập, tôi cần đảm bảo rằng người thân, gia đình, bạn bè không gây cản trở mình”, Fiona nói.

Dù nhận thấy những điều bất thường, Fiona vẫn tới các buổi học ba lần mỗi tuần. Giáo viên tỏ ra chân thành và quan tâm. Cô cũng đang ở vào giai đoạn muốn biết “mục đích cuộc sống của đời mình” là gì, Fiona cho hay.

Sau khi đọc bài báo cha gửi, Fiona đã lên mạng và đọc những gì các cựu thành viên Tân Thiên Địa từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ về giáo phái. Đối diện với sự thực, Fiona suy sụp và khóc.

“Tôi thấy bị phản bội”, Fiona nói về nỗi tức giận của cô với các lãnh đạo giáo phái. Cô đã tin tưởng người hướng dẫn đến mức sẵn sàng chia sẻ về những khó khăn cá nhân với họ.

Fiona cũng thấy thất vọng về cách cô bị lừa dối, song cô nhẹ nhõm vì đã phát hiện ra sự thật sớm hơn nhiều người khác. Fiona quyết định không bao giờ trở lại.

“Tôi đang tìm kiếm những câu trả lời về Thiên Chúa giáo và họ dường như có rất nhiều kiến thức cũng như các câu trả lời mà tôi muốn nghe”, Fiona bày tỏ. “Tôi có thấy những hoạt động trong nhóm học tập là bất thường nhưng tôi vẫn tiếp tục vì tôi tin tưởng họ, tin rằng họ là đầy tớ trung thành của Chúa”.

“Tôi hy vọng với những chi tiết tôi chia sẻ… câu chuyện của tôi sẽ như lời cảnh báo khiến người khác đặt câu hỏi về nguồn gốc của những gì họ tin vào”, Fiona nói.

Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia) – Vnexpress