Quân đội Syria ‘hụt hơi’ sau 9 năm chiến đấu

Quân đội Syria hứng chịu nhiều tổn thất sau những trận chiến liên miên, cùng thay đổi trong chính sách tuyển quân khiến lực lượng suy giảm đáng kể.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/3 tuyên bố đã hạ sát 21 binh sĩ quân đội Syria để đáp trả vụ hai lính Thổ chết trong cuộc tấn công một ngày trước đó tại tỉnh Idlib, tây bắc Syria. Hai khẩu pháo và hai bệ phóng tên lửa của quân đội Syria cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy trong đòn “báo thù” này.

Đây là một tổn thất nặng nề với quân đội Arab Syria (SAA), lực lượng từng mất tới 309 người trong các đòn không kích, pháo kích đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/2, sau khi 39 lính Thổ Nhĩ Kỳ chết vì trúng bom của không quân Syria. Những thiệt hại liên tiếp về nhân mạng và khí tài càng khiến quân đội chính phủ Syria lâm vào tình cảnh hao hụt lực lượng nghiêm trọng.

Trước khi nội chiến nổ ra vào năm 2011, quân đội Syria có khoảng 220.000 binh sĩ chính quy, được coi là một trong những lực lượng quân sự hùng hậu hàng đầu ở Trung Đông. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến đấu liên miên chống lại quân nổi dậy lẫn phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, do nhiều lý do khác nhau, lực lượng này chỉ còn lại vài sư đoàn có khả năng chiến đấu, trong đó binh sĩ chính quy chỉ chiếm phần nhỏ.

Thương vong lớn khiến quân đội Syria mất đi phần lớn năng lực tác chiến. Cuộc chiến kéo dài 9 năm khiến SAA hứng chịu thương vong hơn 100.000 người. Bộ Quốc phòng Syria cho biết gần 185.000 quân nhân và dân quân nước này bị tàn phế do chiến tranh.

Trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, SAA liên tục chịu sự dồn ép của phe nổi dậy và IS, khiến tình trạng đào ngũ trở nên rất phổ biến. Một số ước tính cho thấy khoảng 190.000 quân nhân Syria đã rời bỏ hàng ngũ sau những trận chiến quyết liệt.

Đoàn xe quân sự của Syria dừng gần cao tốc Damascus-Aleppo tại tỉnh Aleppo ngày 10/2. Ảnh: AFP.
Đoàn xe quân sự của Syria dừng gần cao tốc Damascus-Aleppo tại tỉnh Aleppo ngày 10/2. Ảnh: AFP.

Những vụ đào ngũ và trốn tòng quân quy mô lớn như vậy khiến chính quyền Syria nghi ngờ về lòng trung thành của quân nhân, đặc biệt là những binh sĩ thuộc dòng Sunni, vốn chiếm đa số ở quốc gia này.

Việc chấm dứt chính sách tuyển quân từ cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni đã khiến quân đội Syria không thể bù đắp được nhân lực bị hao hụt trong chiến đấu. Toàn bộ 20 sư đoàn chính quy của SAA đều không đủ quân, trên thực tế chỉ có quy mô ngang lữ đoàn với 2.000-4.000 lính.

Tình thế này buộc SAA phải tổ chức lại lực lượng theo tham vấn của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), đó là xây dựng các đơn vị theo đường lối tôn giáo và chính trị tương tự các nhóm dân quân Hồi giáo, thay vì đơn vị quân đội chính quy. Kết quả là Syria thành lập Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (NDF), nhóm dân quân tình nguyện được xây dựng theo mô hình Quân đoàn Tổng động viên Basij của IRGC.

Bên cạnh các nhóm dân quân Hồi giáo, chính phủ Syria còn ủy quyền cho các doanh nhân người Alawis trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad xây dựng lực lượng vũ trang tư nhân với trang bị và tiền lương tốt hơn.

Việc dựa vào lực lượng an ninh tư nhân và các nhóm dân quân để lấp đầy khoảng trống đã khiến hệ thống chỉ huy của quân đội Syria tan rã, bởi các nhóm này hoạt động độc lập, không nhận lệnh của các sĩ quan SAA. Khả năng hiệp đồng tác chiến trong các chiến dịch bị phá vỡ, lực lượng chính phủ Syria tiến quân một cách rời rạc, thiếu sự liên kết.

Trong chiến dịch tiến công phiến quân tại Idlib năm 2018, lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn không tham chiến mà đóng quân tại các vị trí an toàn dọc biên giới với Iraq, chỉ để quân đội Syria đơn độc hành động. Giới chuyên gia nhận định nếu dân quân Iran tham gia chiến dịch này, thành trì cuối cùng của phiến quân ở tây bắc Syria có thể đã sụp đổ cách đây hai năm.

Quân đội Syria hụt hơi sau 9 năm chiến tranh
Cường kích Su-24 của Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 3/1 tại tỉnh Idlib. Video: SANA.
   

Quân đội Syria còn chịu tổn thất khó bù đắp về khí tài sau những trận chiến liên miên. Năm 2011, SAA sở hữu gần 3.000 xe tăng, khoảng 50% trong số này là T-72 và một số mẫu xe tăng cũ hơn như T-54, T-55 và T-62. Tuy nhiên, trong 6 năm đầu chiến tranh, SAA để mất hơn 2.000 xe tăng, chủ yếu là do các loại tên lửa chống tăng của phiến quân, đặc biệt là tên lửa TOW được Mỹ cung cấp.

Trước nội chiến, không quân Syria sở hữu khoảng 500 máy bay chiến đấu và trực thăng, chủ yếu gồm tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom MiG-21, Su-22 và cường kích Su-24. Tới nay, lực lượng này đã mất ít nhất 4 cường kích Su-24, 18 cường kích Su-22, 22 tiêm kích Su-23, 23 tiêm kích MiG-21, 22 máy bay huấn luyện L-39, nhiều trực thăng và 15 máy bay chiến đấu phản lực chưa rõ chủng loại.

Phe nổi dậy tuyên bố đã bắn rơi tới 200 máy bay của không quân Syria, sát hại hoặc bắt làm tù binh nhiều phi công. Số máy bay còn lại của không quân Syria đang tập trung tại 5 căn cứ lớn, tại mỗi căn cứ chỉ có hơn 10 chiến đấu cơ phản lực.

Trong cuộc đụng độ gần đây tại tỉnh Idlib, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hạ hai cường kích Su-24 và một máy bay huấn luyện L-39 của Syria. Quân đội Syria còn mất 8 trực thăng, 135 xe tăng và 77 thiết giáp trong các đợt giao tranh.

Quân nhân Syria tới thị trấn Tal Tamr sau thỏa thuận với chính quyền người Kurd vào tháng 10/2019. Ảnh: AFP.
Quân nhân Syria tới thị trấn Tal Tamr sau thỏa thuận với chính quyền người Kurd vào tháng 10/2019. Ảnh: AFP.

Quân đội Syria được tái cơ cấu sau khi Nga triển khai lực lượng tại nước này vào tháng 9/2015. Trong chiến dịch tiến công Latakia, Syria thành lập Quân đoàn Tiến công số 4, dựa trên lực lượng còn lại của Quân khu 3 và 4 cùng ít nhất 6 lữ đoàn an ninh tư nhân của người Alawis do Vệ binh Cộng hòa Syria chỉ huy.

Lực lượng chính phủ Syria được hai trung đoàn và hai lữ đoàn pháo binh Nga yểm trợ. Các lữ đoàn bộ binh cơ giới và hải quân đánh bộ Nga tham gia hỗ trợ hậu cần và làm lực lượng dự phòng.

Ngoài ra, tham gia lực lượng chính phủ Syria còn có bốn lữ đoàn Spetnaz của Nga, hai đơn vị đặc nhiệm Tiger và Leopard của doanh nhân người Alawis, nhiều lữ đoàn IRGC và lữ đoàn không quân 65 của Iran, cùng nhiều lữ đoàn dân quân Iraq.

Trước quân số hùng hậu của các lực lượng nước ngoài, quân đội chính quy Syria trở nên lép vế khi chỉ còn lại không quá 70.000 lính dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng thống al-Assad.

Với việc các cơ sở quân sự đang xuống cấp hoặc hư hại, tình trạng tiêu hao về nhân lực và khí tài khiến quân đội Syria không còn khả năng đáng kể nếu thiếu các lực lượng đồng minh vốn hiện diện tại quốc gia Trung Đông vì lợi ích của họ, giới chuyên gia quân sự nhận định.

 Nguyễn Tiến (Theo TRNWorld) – Vnexpress