Đi xe máy là bất đắc dĩ

Chọn phương tiện xe máy là bắt buộc chứ không phải lựa chọn tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng.

Đọc bài viết “Tội của xe máy” tôi thấy độc giả có khá nhiều ý kiến trái chiều. Về chủ đề này tôi có thêm vài ý kiến bổ sung. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên làm cho tình trạng xe máy phát triển tràn lan như hiện nay đó chính là do quy hoạch nhà ở đô thị và quy hoạch hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Sau nhiều năm chiến tranh đã không tạo ra được những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ mang tính bước ngoặt nên nội lực kinh tế không đủ mạnh để cho phép chúng ta tạo ra một quy hoạch tổng thể mang tính tầm nhìn lâu dài.

Việc thả nổi quy hoạch đô thị đã làm nhà ở tự phát một cách manh mún, nhà phố, nhà ổ chuột mọc ngang dọc, cấp phép xây dựng dễ dãi đã dẫn đến một mạng lưới đường ngõ hẻm như mạng nhện… Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông trên tổng quỹ đất quá thấp. Lấy ví dụ, TP HCM quỹ đất giao thông đạt 9% trong khi tiêu chuẩn tối thiểu trên thế giới là 20%.

Quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn đã làm cho văn hóa xe máy phát triển, khi văn hóa xe máy phát triển thì tác động xấu lên nhiều mặt của xã hội như bài viết “Việt Nam khó phát triển nếu không có xe máy”. Đồng thời xe máy tác động ngược lại quy hoạch, hai yếu tố này tác động lẫn nhau đã và sẽ làm cho tình trạng giao thông ngày càng trở nên trầm trọng.

Với mạng lưới nhà ở, ngõ hẻm và quỹ đất giao thông thấp như hiện nay thì trong tương lai dù ôtô có rẻ đi nữa thì cơ hội mua xe của người dân cũng như dư địa để phát triển số lượng ôtô là vô cùng nhỏ bé so với các nước tiên tiến trên thế giới. Đây cũng lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư sản xuất linh kiện cũng như lắp ráp ôtô tại việt nam.

Qua việc phân tích rõ nguyên nhân này để chúng ta nhìn nhận và kết luận rằng xe máy là sự chấp nhận bất đắc dĩ, chứ không phải là sự lựa chọn tốt đẹp như một số độc giả nhìn nhận và nêu quan điểm trong một số viết trong thời gian qua.

Độc giả Tiên Phong – Vnexpress