Hàn Quốc phát hiện kháng thể vô hiệu hóa nCoV

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc báo cáo nhân viên y tế có thể tìm và sử dụng kháng thể từ SARS và MERS để điều trị Covid-19.  
Minh họa ARN của các virus trong nghiên cứu. Ảnh: KRICT.
Minh họa ARN của các virus trong nghiên cứu. Ảnh: KRICT.

Hai kháng thể vô hiệu hóa virus SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) và một kháng thể vô hiệu hóa MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) có thể kết hợp với protein dạng gai của nCoV, theo nhóm nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm do virus mới thuộc Viện nghiên cứu công nghệ hóa học Hàn Quốc (KRICT). Họ công bố phát hiện trên trang bioRxiv hôm 4/3.

Virus corona sử dụng protein dạng gai để xâm nhập vào tế bào. Nếu bệnh nhân tiếp nhận kháng nguyên thông qua vaccine chứa kháng thể vô hiệu hóa virus SARS và MERS, cơ thể có khả năng tạo kháng thể thông qua phản ứng miễn dịch và tiêu diệt mầm bệnh.

Các nhà nghiên cứu xác nhận những điểm giống nhau giữa virus SARS và nCoV bằng cách phân tích hệ gene của nCoV và dự đoán liệu kháng thể vô hiệu hóa SARS và MERS có thể kết hợp với nCoV hay không nhờ phân tích tin sinh học (bioinformatics là lĩnh vực khoa học sử dụng các công nghệ của các ngành toán học ứng dụng, tin học, thống kê, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, hóa học và hóa sinh để giải quyết các vấn đề sinh học). Nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật nCoV từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hàn Quốc và thu được ARN bằng cách nuôi virus ở KRICT.

Các nhà nghiên cứu sử dụng ARN và so sánh độ nhạy của đoạn mồi và đoạn dò nhằm phát hiện nCoV công bố trong những nghiên cứu ở nước ngoài. Đoạn mồi là một sợi axit nucleic dùng để làm đoạn khởi đầu cho quá trình nhân đôi của ADN. Đoạn dò là một sợi axit nucleic có trình tự xác định và được đánh dấu bằng các phương pháp khác nhau dùng để nhận diện các đoạn nucleic acid khác có trình tự bổ sung với nó. Quá trình này giúp phát triển bộ kit phát hiện phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực (RT-PCR) với độ nhạy cao hơn, theo tiến sĩ Lee Mi-hye, viện trưởng viện KRICT.

An Khang (Theo Korea Biomedical Review) – Vnexpress