Longyearbyen nằm trên hòn đảo hẻo lánh Svalbard, Na Uy, ở 78 độ bắc. Nơi này nằm ở giữa đại lục của Na Uy và Bắc Cực, với 2.300 cư dân sinh sống. Ngày 2/3, tờ Guardian đưa tin: đây là thị trấn nóng lên nhanh nhất thế giới.
Sự biến đổi của khí hậu đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ về thời tiết ở đây trong 10 năm qua. Nhiệt độ vào mùa hè và mùa đông cùng tăng lên. Các đảo có lượng mưa nhiều hơn. Vào mùa đông, tuyết rơi nhiều hơn khiến các sườn núi bị sạt lở – điều người dân chưa từng thấy trước đó.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã dự đoán, nhiệt độ tăng và thay đổi thời tiết do biến đổi khí hậu sẽ xảy ra đầu tiên ở Bắc Cực, và lan rộng về phía nam. Nhà khoa học khí hậu Ketil Isaksen của Viện Khí tượng Na Uy cho biết điều này có thể thấy được ở Svalbard: “Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi dữ dội đó. Từ năm 1961, tốc độ ấm lên ở hòn đảo tăng gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu”. Vào tháng 3/2019, nơi này đã lập kỷ lục có 100 tháng liên tiếp có nhiệt độ trên mức bình thường.
Arild Olsen, thị trưởng của Longyearbyen, cho biết: “Vị trí của chúng ta trên thế giới đem lại thử thách, nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời”.
Khi mặt trời lặn vào ngày 5/10 hàng năm, người dân trong trấn sẽ không nhìn thấy cảnh tượng này cho tới 155 ngày tiếp theo, tức là đến ngày 8/3 năm sau. Phần lớn thời gian đó, thị trấn chìm trong bóng tối.
Trong mùa đông tối tăm, thiếu ánh sáng mặt trời, nhiều người dân Longyearbyen sợ ở trong nhà. Bente Næverdal, một người dân địa phương, cho biết họ có lý do chính đáng để sợ hãi. Tháng 12/2015, một trận tuyết lở ở núi Sukkertoppen đã khiến hai người thiệt mạng, phá hủy 11 ngôi nhà. Tháng 2/2017, một trận tuyết lở khác đã phá hủy thêm 6 ngôi nhà.
Từ năm 2018, chính phủ đã chi 500 triệu kroner (hơn 53,7 triệu USD) cho các biện pháp bảo vệ nhà ở cho cư dân như tạo rào cản tuyết lở, xây nhà mới. Chính quyền xây 60 ngôi nhà mới cách thị trấn khoảng 500 m về phía đông bắc, tại một khu vực an toàn hơn và không nằm dưới sườn núi nào. Giai đoạn tiếp theo, chính phủ sẽ phá hủy 142 ngôi nhà nằm trong khu vực được cho là nguy hiểm tới tính mạng. Theo Bente Næverdal, đây là chương trình xây dựng nhà lớn nhất ở khu vực này của chính phủ Na Uy.
Có khoảng 300.000 du khách tới Svalbard mỗi năm. Phần lớn du khách đến Longyearbyen, nơi chỉ cách Bắc Cực 1.050 km, vào mùa đông để có cơ hội ngắm Bắc Cực quang và gấu Bắc Cực. Đây là những điểm nhấn thu hút nhất của thị trấn với khách du lịch.
Marije Bocsh, một nữ du khách chia sẻ, nơi này giống như một điểm đến trong mơ. Có rất nhiều thứ để khám phá và mỗi ngày, bạn đều có những trải nghiệm khác nhau. Giống Marije, phần lớn trong du khách không biết thị trấn đang bị đe dọa bởi những trận lở tuyết khó lường, có thể nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
“Manh mối” gợi cho bạn biết đến về những mối đe dọa này chính là những hàng rào chắn tuyết lở được dựng bên sườn núi, phía trên những ngôi nhà. Rào chắn cao nhất trên núi là một cấu trúc thép mạ kẽm, cao 10 m và dài 200m. Hàng rào thứ hai và ba nằm ở giữa chặng Sukkertoppen và phía trên trung tâm thị trấn.
Nverdal, người sống ngay phía dưới rào chắn, cho biết anh cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, các rào chắn không thể kéo dài đến tận thung lũng phía dưới núi Sukkertoppen vì các sườn núi quá dốc. Điều đó đồng nghĩa, hàng trăm cư dân không được bảo vệ, và buộc phải rời khỏi nhà vào mỗi mùa đông.
Longyearbyen là thị trấn khai thác than nhỏ trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy. Cách đi phổ biến nhất để đây là 3 tiếng bay từ thủ đô Oslo tới sân bay Longyearbyen nằm ở điểm xa nhất về phía bắc của thế giới. Nếu muốn đến bằng tàu, bạn có thể mua tour để tham gia một hành trình thám hiểm trên đại dương, kéo dài từ 9 đến 14 ngày. Tại Việt Nam, có nhiều chuyến bay tới Olso. Du khách Việt phải xin visa Schengen để nhập cảnh Na Uy.
Anh Minh (Theo BBC) – Vnexpress