Từ cuối năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leon, phía tây bắc Tây Ban Nha, đã và đang “dạy” những mạng lưới thần kinh nhân tạo phát hiện manh mối tại hiện trường vụ án.
Các nhà khoa học sẽ nạp vào máy tính hàng ngàn hình ảnh chụp từ hiện trường. Căn cứ vào đây, các thuật toán “máy học” được lập trình sẽ tự biết cần phát hiện những gì. Thuật toán có thể phân tích những hành vi mà tội phạm sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, liên kết các manh mối để phác thảo chân dung kẻ phạm tội.
Ví dụ, trong một vụ trộm, trí tuệ nhân tạo có thể giúp cảnh sát liên kết tất cả manh mối về tang vật bị bỏ lại hiện trường vụ án này với các vụ cướp khác trong khu vực.
Để đạt hiệu quả cao nhất, hình ảnh được nạp vào máy tính đều phải được chuẩn hóa và chú giải chi tiết. Chẳng hạn, nếu các nhà nghiên cứu muốn máy tính nhận diện dấu chân tại hiện trường thì các dấu chân sẽ phải được gắn nhãn trong tất cả hình ảnh vì chúng có đủ loại hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Máy tính không chỉ đơn thuần nhận diện được dấu chân mà còn có thể đưa ra gợi ý cho cảnh sát về loại giày mà nghi phạm sử dụng, quét dữ liệu để tìm những dấu chân có hình dạng và kích cỡ tương đồng ở các vụ án khác.
Trước đây, cảnh sát mất nhiều thời gian để phân tích hiện trường vụ án, camera an ninh, hồ sơ chứng cứ và nhiều manh mối khác để có thể bắt được nghi phạm. Nhưng với trí tuệ nhân tạo, công tác điều tra, phân tích được cho là sẽ thực hiện nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn và hiệu quả cao.
Cảnh sát rất khó để nhận dạng nghi phạm trong đám đông bằng mắt thường. Tuy nhiên, nhờ công nghệ nhận dạng khuôn mặt, mọi chuyện có thể trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ mới này đang được các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới sử dụng để nhận dạng nghi phạm, kể cả trực tuyến hay ở nơi công cộng.
Nếu có hình ảnh của nghi phạm, bạn có thể đưa chúng vào phần mềm máy học, các thuật toán nhận dạng khuôn mặt sẽ phân tích ảnh được tải lên trên hàng trăm nghìn trang web. Điều này còn rất hữu ích cho việc điều tra các trang web ngầm, nơi có rất nhiều tội phạm ẩn nấp và các hoạt động phi pháp diễn ra.
Cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật đều có cơ sở dữ liệu với tất cả các loại thông tin về nghi phạm hay những người từng có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu này hầu hết chưa được chuẩn hóa và khai thác hiệu quả vì việc tra cứu dữ liệu và liên kết các manh mối theo cách thủ công sẽ tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể, manh mối có thể được ẩn giấu trong hệ thống dữ liệu mà không thể phát hiện bằng mắt thường.
Trên thực tế, ngay cả khi máy móc không thể cung cấp cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất, nó vẫn có thể cung cấp các dữ liệu có liên quan.
Thanh Long (Theo Mindy Support) – Vnexpress