Đề xuất này sẽ được OPEC đưa ra trong cuộc thảo luận quan trọng vào ngày mai (6/3) với Nga – nước dẫn đầu nhóm phi OPEC. Giới phân tích kỳ vọng Nga sẽ chấp thuận việc này và các nước phi OPEC sẽ gánh 500.000 thùng. Chính sách này sẽ được xem xét lại trong phiên họp tới của OPEC ngày 9/6.
Nếu mức 1,5 triệu được chấp thuận, tổng cộng OPEC+ sẽ giảm sản xuất 3,6 triệu thùng một ngày trong quý II – tương đương 3,6% nguồn cung toàn cầu. Con số này chỉ thấp hơn 4,2 triệu năm 2008.
Trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra, giới phân tích lo ngại có rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh năng lượng lâu năm giữa Nga và Saudi Arabia – nước lãnh đạo OPEC. Do vài tuần gần đây, Nga không thể hiện sự sẵn sàng cắt giảm sâu hơn nữa. Nước này được cho là muốn gia hạn cắt giảm ở mức hiện tại hơn là giảm sâu hơn nữa.
Hiện tại, OPEC+ đang giảm sản xuất với tốc độ 2,1 triệu thùng mỗi ngày. OPEC hôm nay quyết định mức này sẽ được gia hạn đến cuối năm. Nhu cầu dầu năm 2020 được dự báo giảm mạnh, do các nhà máy đóng cửa, người dân hạn chế đi lại và nhiều hoạt động kinh tế khác đình trệ do Covid-19.
Hiện tại, mỗi thùng Brent có giá 50,92 USD, giảm 0,41%. Trong khi đó, dầu WTI tăng nhẹ 0,02% lên 46,79 USD.
Lần đầu tiên OPEC và các nước phi OPEC cam kết hạn chế sản xuất là năm 2016, nhằm kéo giá dầu lên cao. Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 1/2017. Đến tháng 12/2019, nó được gia hạn, với mức cắt giảm 1,7 triệu thùng một ngày. Khi đó, Saudi Arabia còn tự nguyện giảm thêm 400.000 thùng trong 3 tháng, với điều kiện các nước thành viên thực hiện đúng cam kết, để nâng tổng lượng cắt giảm lên 2,1 triệu thùng.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters) – Vnexpress