Các nhà ở trên Đại lộ North gần như trống rỗng. Các cửa hàng đều hết sạch bình xịt khử trùng, cồn sát khuẩn và thuốc tẩy. Đây là cuộc sống đang diễn ra tại New Rochelle sau khi hôm 3/3 xuất hiện thông tin một cư dân tại nơi đây, đang làm luật sư ở Manhattan, nhiễm nCoV và có thể lây cho hàng trăm người khác.
Đến ngày 4/3, bằng chứng virus lây lan đã rõ. Thống đốc Andrew M. Cuomo thông báo tại một cuộc họp báo sáng rằng vợ và hai con của luật sư này dương tính với virus. Một người hàng xóm đưa ông tới bệnh viện tuần trước cũng nhiễm. Tới cuối ngày, thêm 5 ca dương tính được công bố, gồm một người đàn ông “ở gần” vị luật sư tại Manhattan cùng vợ và ba con.
Tâm lý hoang mang bắt đầu lan rộng khắp New Rochelle. Tại cửa hàng Frozen Custard của Mikey Dubb, máy đánh trứng làm bánh nằm im bất động, nhân viên đứng trước thềm nhà, vừa lo lắng vừa chào mời khách hàng.
“Tôi nhận ra người đàn ông đang phải nhập viện vì nhiễm nCoV ở New York từng đi qua khu phố này”, nhà thiết kế cảnh quan Vicky Sturner, 62 tuổi, một trong rất ít khách hàng dùng bữa tại nhà hàng Italy Maestro’s trên Đại lộ North vào tối 3/3, nói. “Tôi sẽ đi rửa tay. Tôi sẽ cố gắng không chạm tay lên mặt và tôi cảm thấy buồn cho gia đình bị nhiễm virus. Nó ảnh hưởng tới tất cả mọi người, tới toàn bộ cộng đồng. Nhưng tôi không thể ngăn nó hay thay đổi nó, tôi phải tiếp tục cuộc sống của mình”.
Trước chiều tối ngày 3/3, Nathan Lindenbaum, kế toán viên, đến nhà thờ Do Thái Young Israel của thành phố để cầu nguyện. Anh bối rối khi thấy cánh cửa nhà thờ bị khóa và giáo đường không một bóng người. Một người nhiễm nCoV từng dự lễ tại nhà thờ này.
Vài giờ trước đó, ủy viên y tế hạt Westchester đã ra lệnh cho tất cả các giáo đường Do Thái hoãn lễ cầu nguyện và những giáo dân từng dự một đám tang và lễ Bat Mitzvah tại nhà thờ Young Israel vào ngày 23/2 phải tự cách ly tại gia. Theo thị trưởng New Rochelle Noam Bramson hơn 100 gia đình nằm trong vòng ảnh hưởng.
Tiến sĩ Demetre C. Daskalakis, phó ủy viên kiểm soát dịch bệnh tại Sở Y tế New York, cho biết viên luật sư nhiễm nCoV, ngoài 50 tuổi, đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện NewYork-Presbyterian ở Manhattan.
Các thành viên gia đình ông đang được cách ly tại nhà ở New Rochelle. Con gái ông là học sinh trường trung học Salanter Akiba Riverdale ở Bronx. Ngôi trường đã đóng cửa vào ngày 3 và 4/3. Con trai ông là sinh viên Đại học Yeshiva ở Manhattan. Các lớp học của trường đã bị hủy vào ngày 4/3 dù ký túc xá và hàng quán vẫn mở cửa. 6 trường hợp dương tính còn lại đều được cách ly tại gia ở New Rochelle.
Cùng ngày khi luật sư Manhattan được chẩn đoán nhiễm bệnh, Josh Berkowitz, chủ nhà hàng Eden Wok ở New Rochelle thuê một chuyên gia quan hệ công chúng và bắt đầu phát phiếu giảm giá 15% nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm khách hàng đã được dự đoán trước.
Nhìn vào chiếc bàn duy nhất có khách trong cửa hàng, nơi thường xuyên tấp nập người ra vào, Berkowitz nhấc máy trả lời điện thoại. Một chủ nhà hàng khác gọi cho Berkowitz để kể về một đơn hàng mà ông vừa nhận được.
“Khách hàng muốn sushi nhưng nói với ông ấy rằng họ không muốn bất kỳ người châu Á nào chạm vào món ăn”, Berkowitz kể, hạ giọng thật nhỏ để không ai nghe thấy.
“Mọi người phát điên hết rồi”, Berkowitz lắc đầu nói.
Ken Barrett, nhân viên tại một công ty giao hàng trực tuyến, tới nhà hàng của Berkowitz để mua một đơn hàng mà không biết gì về tình hình ở New Rochelle. Ông cho biết bản thân luôn cảnh giác cao độ kể từ khi nghe tin về nCoV ở bang Washington, nơi đã ghi nhận ít nhất 9 ca tử vong.
“Có lẽ tôi nên rời khỏi đây”, Barrett nói. Ông đoán có thể một người nào đó vì bị cách ly tại nhà nên đã gọi giao đồ ăn. “Bạn không thể biết ai là người gọi đồ”.
Tại một cửa hàng tiện lợi ở Đại lộ North, Raj Shaikhar cũng vừa hay tin một nhà thờ Do Thái cuối phố đã bị đóng. “Tôi thấy sợ”, ông chia sẻ. “Và buồn cho người đàn ông nhiễm bệnh. Ông ta có thể là khách hàng của tôi”.
Con gái Shaikhar, y tá tại một bệnh viện trong thành phố, đã mua cho ông một chiếc khẩu trang với giá 70 USD. “Vẫn đáng tiền”, ông nói.
Với số ít những người ra khỏi nhà vào tối 3/3, đa phần đều mang tâm lý bất chấp nhưng xen lẫn sợ hãi. Một số người nói về tầm quan trọng của việc không được hoảng loạn, song từ chối bắt tay vì sợ lây bệnh. Họ đã hướng dẫn con cái mình không được ôm hôn bạn bè. Nhiều người còn bày tỏ hoang mang liệu thành phố sẽ ra sao nếu dịch bệnh không thể kiểm soát.
Tại hiệu thuốc CVS, Kerry Johnson, nhân viên cửa hàng, vừa chuyển một hộp ba lọ nước rửa tay Purell cuối cùng vào bên trong. Một khách hàng đã nhờ cô giữ hộ. Sợ dịch bệnh, Johnson đang phải tự đấu tranh xem có nên đi làm vào ngày mai nữa hay không.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)
Theo Vnexpress