Putin khó nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria

Khi Tổng thống Erdogan đến thăm Nga tháng 8/2019, mặt trời tỏa nắng lúc ông cùng ăn kem với Putin và chiêm ngưỡng tiêm kích Su-57.

Nhưng trước chuyến thăm Moskva hôm nay của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mây đen đang che phủ quan hệ giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bởi xung đột leo thang tại Syria. Giao tranh ở tỉnh Idlib giữa Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội chính phủ Syria do Nga yểm trợ trở nên dữ dội hơn trong tháng qua.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những “tay chơi lớn” trên bàn cờ Syria, đang ở vị thế đối nghịch và quyết tâm giữ lập trường của mình. Nhiều người hy vọng hai lãnh đạo thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc thảo luận ở Moskva, song giới phân tích hoài nghi khả năng này.

Erdogan khó có khả năng làm suy suyển quyết tâm của Putin trong việc hậu thuẫn quân đội Syria tiến hành chiến dịch quy mô lớn nhằm tái chiếm Idlib, thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ. Giới quan sát cho rằng chiến thắng cuối cùng của quân đội Syria ở Idlib không chỉ mang lại lợi thế về chính trị cho Putin, mà còn thể hiện dấu ấn của ông.

“Putin nổi lên như một chiến lược gia bậc thầy trong vấn đề Syria”, Yury Barmin, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga, nói. “Chiến thắng tại Syria trở thành vấn đề uy tín của Nga và cá nhân Putin”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phỏng vấn được TASS công bố ngày 3/2. Ảnh: TASS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phỏng vấn ngày 3/2. Ảnh: TASS.

Nga triển khai quân tại Syria từ tháng 9/2015 theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, động thái giúp xoay chuyển cục diện chiến trường tại quốc gia Trung Đông. Dưới sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria lần lượt giành các chiến thắng lớn, chiếm lại phần lớn lãnh thổ bị phiến quân Hồi giáo và các nhóm đối lập do phương Tây hậu thuẫn chiếm giữ.

Với Putin, Syria là cơ hội để Nga chứng tỏ với phương Tây về sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng của nước này. Nga đầu tư mạnh vào căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim để chiến hạm cùng oanh tạc cơ biểu dương sức mạnh quân sự khắp Địa Trung Hải.

“Với Nga, mục tiêu quan trọng ở Syria là đảm bảo al-Assad nắm quyền để quân đội nước này tiếp tục đóng tại hai căn cứ Tartus và Hmeymim”, chuyên gia quân sự Pavel Felgenhauer nói.

Ngoài vai trò điểm bàn đạp triển khai lực lượng ở Địa Trung Hải, Syria còn là một “thao trường” huấn luyện thực chiến quý giá cho quân đội Nga, khi hàng nghìn binh sĩ được tham chiến, hàng trăm vũ khí mới được thử nghiệm trong điều kiện thực tế. “Đây là ví dụ về những gì Nga có được thông qua kết hợp các công cụ quân sự và ngoại giao”, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva Dmitry Trenin nói.

Trenin nhận định cuộc chiến tại Syria mang lại danh tiếng cho Putin, người từng thề “nhấn đầu những kẻ khủng bố xuống bùn” trong cuộc chiến tại Chechnya 20 năm trước.

Một chiến thắng trong chính sách đối ngoại ở Syria sẽ giúp Putin “ghi điểm” với công chúng Nga, trong bối cảnh chỉ số tín nhiệm của ông đang suy giảm vì kinh tế gặp khó khăn. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, tỷ lệ tín nhiệm của Putin ở nước Nga tăng lên gần 90%.

Quân cảnh Nga tại khu vực sân bay Qameshli, miền đông bắc Syria ngày 4/3. Ảnh: AFP
Quân cảnh Nga tại khu vực sân bay Qameshli, miền đông bắc Syria ngày 4/3. Ảnh: AFP

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng Putin sẽ không thẳng thừng từ chối thỏa hiệp khi đàm phán với Erdogan. Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn tránh các cuộc đụng độ trực tiếp làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng.

“Putin biết mình có lợi thế quân sự và chính trị đáng kể so với Erdogan, song ông sẽ tìm cách tạo điều kiện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rút lui trong danh dự”, Trenin nói.

Chuyên gia Barmin cho rằng Putin sẽ tìm cách thỏa hiệp ở một mức độ nhất định với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria, nhưng phải “theo luật chơi do Nga đề ra”.

Idlib là vùng lãnh thổ cuối cùng do phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Quân đội Syria mở chiến dịch tái chiếm Idlib từ tháng 12/2019 với sự yểm trợ của không quân Nga và đã tái chiếm được nhiều vị trí quan trọng, buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân can thiệp nhằm duy trì ảnh hưởng ở Idlib.

Tính đến ngày 5/3, 57 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng tại Syria, trong đó có 34 lính chết trong vụ không kích ngày 28/2. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắn rơi hai cường kích Su-24 và một máy bay huấn luyện L-39 của không quân Syria để trả đũa.

 Nguyễn Tiến (Theo AFP) – Vnexpress