“Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích luỹ không chỉ của riêng công trình Luang Prabang, mà với tất cả các các công trình thuỷ điện khác trên dòng chính Mekong”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói trong họp báo thường kỳ chiều nay.
Bà Hằng trả lời yêu cầu bình luận việc Lào dự kiến khởi công xây dựng đập thuỷ điện Luang Prabang.
Hồi tháng 10/2019, Uỷ hội sông Mekong (MRC) cho biết Lào dự kiến hoàn thành dự án thuỷ điện Luang Prabang vào năm 2027, vận hành liên tục quanh năm và sản xuất 1.460 MW điện. Hiện Lào có hai dự án thuỷ điện trên dòng chính Mekong đã đi vào hoạt động là Xayaburi và Don Sahong. Trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đang vận hành 11 đập thuỷ điện, trữ khoảng 47 tỷ m3 nước, theo chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, các đập thuỷ điện trên thượng nguồn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Theo người phát ngôn, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước sông Mekong để phát triển, nhưng phải có trách nhiệm sử dụng bền vững nguồn nước này. Việc phát triển các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế, xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo thông lệ quốc tế và các quy định của MRC.
“Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hoà lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực”, bà Hằng nói.
Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.