Hôm đầu tiên (từ 0h ngày 4/3) sau khi dỡ chốt phong tỏa, người Sơn Lôi đón cơn mưa rào. Tiếng máy trộn bê tông ầm ì vang lên phía cuối thôn Nhân Nghĩa. Gia đình chị Nguyễn Thị Anh, 37 tuổi tranh thủ “ngày tốt” để đổ trần cho công trình phụ. Mười bốn thợ thi công, đều là bà con quanh xóm. Chồng làm nghề sơn quanh huyện, vợ đi buôn gà tận chợ Xuân Đỉnh dưới Hà Nội. Dự định sửa sang căn bếp ngói và khoảng sân đất trước nhà cứ lần lữa bao năm không làm vì “chẳng biết khi nào rảnh”.
30/1, ca dương tính nCoV đầu tiên ghi nhận ở Sơn Lôi. Những ngày sau đi chợ, khách mua hàng quen bắt đầu thưa. “Cô ở ổ dịch mà cô không bảo tôi”, có người đến tận chỗ chị buông một câu nói rồi đi. “Nhà cháu cách đấy hàng cây số, cũng có bị sao đâu”, chị Anh phân trần, đôi găng tay và chiếc khẩu trang của chị chưa khiến họ thật an tâm.
Chiều 12/2, chị Anh đi quanh thôn Nhân Nghĩa, An Lão, Ngọc Bảo mua hơn hai chục con gà, chuẩn bị cho chuyến chợ sớm hôm sau. Loa phóng thanh dội khắp các con ngõ vắng, Sơn Lôi chính thức “phong tỏa” từ sáng hôm sau. Người quen cảnh chợ búa như chị Anh, bỗng nhiên phải ở nhà thấy bứt rứt. Năm vợ chồng con cái cả ngày ngồi nhìn nhau, hàng xóm cũng chẳng sang chơi. Ba cậu con trai lớp 5, lớp 6 kèm nhau học, hết ăn rồi lại ngủ.
“Rảnh quá, hay nhà mình tranh thủ làm lại sân, bếp đi”, vợ chồng tặc lưỡi, hôm sau đèo nhau ra đầu làng đặt mua vật liệu.
26/2, ca dương tính nCoV cuối cùng (trong số 16 trường hợp được ghi nhận đến nay) ở Việt Nam, cũng là người Sơn Lôi, xuất viện. Lúc đó gia đình chị mới bắt đầu làm, “vì không dám tụ tập đông người”. Hơn 20 anh em, họ hàng, những người cùng đội thợ sơn kéo đến giúp anh chị dỡ nhà, đào móng, phụ nữ khuân gạch, xách vữa. “Ngày thường mà nhờ làm gì có người nào rảnh”, chị Anh cười. “Người quen việc chân tay như bọn mình, ngồi không một ngày cũng buồn, nên mình nhờ, ai cũng nhận lời luôn”.
Hơn hai chục con gà được làm thịt dần, nấu cơm cho thợ. Rau đậu chị mua ngay đầu xóm. Ngoài việc không được xuống Hà Nội đi chợ gà, chị Anh không thấy cuộc sống gia đình quá xáo trộn. “Trong xã cái gì cũng có, cần là mua được ngay”. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn nửa.
Sau đêm tháo dỡ các chốt quanh xã, người Sơn Lôi quay lại các công ty, nhà xưởng để làm việc. Ngày đổ trần, nhóm thợ làm giúp mọi khi đã vãn, nhưng chị Anh thấy vui, vì mọi thứ trở lại bình thường. Đứng trước căn bếp đang hoàn thiện, chị Anh đùa “đây sẽ là công trình đáng nhớ nhất đời”. Vợ chồng chị sẽ tự tay sơn nhà mình để sau này ghi nhớ về những ngày “sống chung với dịch”.
Chiều, chị Anh gác đôi lồng bu lên xe máy, đi gom gà quanh làng chuẩn bị cho chuyến chợ sớm ngày mai. “Chục bồ câu nhốt trước hôm nghỉ chợ, không biết có ai mua nữa”, chị Anh hy vọng khách hàng quen sẽ trở lại.
20 ngày cách ly trở thành quãng thời gian để nhiều người Sơn Lôi ngồi lại bên nhau hàn huyên chuyện cũ, chăm chút cho gia đình. Buổi chiều trước ngày dỡ 12 chốt kiểm soát quanh xã, chị Nguyễn Thị Sắc đặt mua một chiếc bánh ngọt ngoài thị trấn Hương Canh. Chị hẹn người giao hàng mang thêm mấy cân ngao, một cân mực để tối làm ba nồi lẩu. Họ hàng nội ngoại gần hai chục người quần tụ, nâng cốc chúc mừng sinh nhật bà nội 79 tuổi, cũng để mừng Sơn Lôi hết cách ly trong đêm 4/3.
“Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn sinh nhật to thế này”, bà cụ đã lãng tai quở yêu con cháu rồi vui vẻ thổi nến. Sắc đáp lời bà “không phải riêng nhà mình, mà cả xã này ăn mừng”.
Hơn nửa tháng cách ly là những ngày Sắc được ngủ đẫy mắt, 8h sáng mới dậy mở hàng. Ngày thường, chị sẽ dậy từ 4h sáng nấu cháo, rồi bày biện mấy cái bàn ra trước cửa. Xong xuôi cũng là lúc học sinh Tiểu học Sơn Lôi đến trường. Tất bật với quầy đồ đến tận trưa, Sắc mới có thời gian chăm em bé 20 tháng tuổi. Giờ chị ôm con cả ngày, khi cửa hàng bán bỉm, sữa của chị ít người ghé qua. Ai đến mua hàng cũng nhanh chóng rời đi, không ngồi nghe tư vấn chuyện con cái ăn dặm, chọn loại sữa nào tốt nữa.
Thi thoảng, chị bế con sang nhà các bác chơi, “chẳng mấy khi anh em được ngồi cùng nhau đông đủ như dịp này”. Họ hàng nhà Sắc đều sinh sống trong xã Sơn Lôi nhưng hiếm khi gặp nhau trừ dịp Tết. Người bận buôn bán, người đi công ty, người làm sơn vắng nhà quanh năm. Dịp này, mấy mẹ con rảnh rỗi ngồi ôn chuyện cũ, Sắc mới biết ngày xưa bố mẹ lấy nhau phải nhờ ông bà mai mối, bởi hồi thanh niên cả hai đều nhát, chẳng dám mở lời.
Những ngày chống dịch, chị giữ thói quen đánh răng lẫn súc miệng bằng nước muối thay vì chỉ đánh răng như trước kia. Chai nước rửa tay đặt trước quầy hàng, chồng đi đâu về là chị nhắc rửa tay sát trùng rồi mới được bế con.
Lãnh đạo xã Sơn Lôi cho rằng, 20 ngày cách ly “là một cuộc diễn tập chống dịch lịch sử”. 10.600 cư dân toàn xã đã học cách thích nghi với những ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ những trường hợp khẩn cấp và thực sự cần thiết như sinh nở, chuyển viện, điều trị các bệnh nặng…
12 chốt quanh xã đều có lực lượng quân y và cảnh sát cơ động, an ninh trực 24/24. Trong trụ sở chính quyền từ xã xuống đến thôn, ánh điện luôn sáng.
Ông Nguyễn Như Tâm, Bí thư xã nhớ lại những ca chuyển dạ sinh nở giữa đêm, những cuộc điện thoại của người dân báo về sức khỏe, dù chỉ “hơi đau đầu”. “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rối ở đâu, gỡ ở đó, không gỡ được thì xin chỉ đạo của cấp trên”, ông nói.
Từ ngày đầu tiên có lệnh phong tỏa, ông Tâm là người xã khác, đã sắp xếp đồ đạc chuyển hẳn vào Sơn Lôi “trực chiến”. 12h15 ngày 4/3, ông Tâm nhận điện thoại từ con gái giục bố về ăn cơm. Ông không biết vợ con sẽ đãi mình món gì sau 3 tuần không gặp mặt, nhưng “được về nhà là vui rồi”.
Thôn Ái Văn – nơi khởi phát ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam cũng đang hồi phục về nếp sống cũ. Cách nhà văn hóa hơn trăm mét, chợ cóc hai hôm nay nhộn nhịp kẻ bán người mua. Dân mang gà vịt, rau củ bày bán ven đường, trên mặt không quên đeo khẩu trang.
Không chờ đến ngày Sơn Lôi có lệnh cách ly, nhà văn hóa thôn luôn sáng điện từ lúc Bộ Y tế công bố ba ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có Nguyễn Thị Dự (23 tuổi, công nhân trở về từ Vũ Hán) là người thôn Ái Văn.
Trưởng thôn Nguyễn Duy Hải nhớ ngày hôm trước vẫn trông thấy Dự đi xem trận bóng đá của thanh niên làng, bởi sân bóng nằm ngay phía sau nhà cô. Một ngày sau công bố của Bộ Y tế, lập tức các hoạt động thể thao, hội làng đầu năm đều bị hủy bỏ. Những ngày sau đó, thanh niên đặt bàn ghế ở cây thị trước nhà văn hóa thôn, nhắc người làng đi lại đeo khẩu trang, về nhà nhớ rửa tay bằng xà phòng. Do tiếp xúc gần, nhiều hàng xóm nhà Dự phải đi cách ly tập trung, một số được cách ly tại nhà. Lãnh đạo thôn dặn dò “cần gì cứ gọi, thôn sẽ mua đồ mang đến tận nhà, bà con nên hạn chế đi lại”.
Những ngày xã phải cách ly là thời gian ông trưởng thôn “thấy dân tình còn đông đúc hơn cả Tết”. Hơn 2.000 nhân khẩu có mặt đông đủ. Chiều 12/2 khi lực lượng chức năng mang barie đến chuẩn bị lập chốt, loa truyền thanh thôn cũng kêu gọi các gia đình chủ động nhắn con em làm ăn quanh vùng trở về. “Nếu để người nơi khác biết mình ở Sơn Lôi, họ bắt buộc đi cách ly thì còn vất vả nữa, nên thôi về làng mình cho có anh em”, ông nói. Hai ngày sau, cả làng tập trung gần đủ.
Gần một tháng qua, ông Hải từ chối nhiều lời cậy nhờ “dẫn ra nhà Dự” khi cô được xuất viện về làng. Ông muốn để cho gia đình Dự “trở lại cuộc sống bình yên như trước”.
Nhóm chat “Phòng chống dịch Covid-19 thôn Ái Văn có hình đại diện là khẩu hiệu “Vĩnh Phúc cố lên”, tập hợp 21 thành viên, thông báo giờ giấc đo thân nhiệt, phát khẩu trang, vệ sinh đường sá những ngày phong tỏa. Cả nhóm thống nhất thêm Dự vào để hỏi han sức khỏe, động viên cô đừng tự trách mình.
“Đừng suy nghĩ nhiều em ạ. Nghĩ nhiều quá không ốm cũng thành ốm, mà ốm thì sức đề kháng kém đi, nguy hiểm hơn”, một thành viên nhắn cho Dự. “Mọi người đã vất vả rồi”, cô nhắn lại. Họ hẹn nhau bao giờ hoàn toàn hết dịch sẽ liên hoan một bữa.
Phương Lam – Vnexpress