Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với 2 đề xuất nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dự thảo quy định đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khi phát hành không quá ba lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Song HoREA đề nghị chưa cần thiết quy định nội dung trên vì theo kết quả hoạt động phát hành trái phiếu của 177 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019, 149 doanh nghiệp (chiếm 84,2%) có giá trị phát hành trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu.
Tổng giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của từng loại hình doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn điều lệ thấp, hoặc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ… thì có nhu cầu phát hành trái phiếu cao hơn mức 3 lần vốn chủ sở hữu.
Hiệp hội cũng không đồng tình với quy định mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong 90 ngày kể từ ngày công bố, đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng.
Thay vào đó, HoREA đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt trong một năm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn thường có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn trái phiếu. Thời điểm phát hành trái phiếu do doanh nghiệp quyết định, không cần thiết quy định khoảng cách thời gian tối thiểu 6 tháng giữa hai đợt trong năm. Trái phiếu phát hành trong một đợt phải thống nhất cùng điều kiện, điều khoản.
Theo HoREA, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, bị sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở, giá nhà đất tăng, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư. Thị trường lại càng thêm khó khăn do tác động của dịch cúm Covid-19.
Do đó, khi xem xét sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 163 chỉ mới sau 1 năm thực hiện, HoREA đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu. Cơ quan quản lý có thể tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.
Luật Nhà ở 2014 đã quy định các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở nhưng trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam chưa có đầy đủ các thiết chế để cung ứng nguồn vốn trung hạn, dài hạn, nên các chủ đầu tư dự án nhà ở phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng.
Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản, nên hầu hết chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Để thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện nhiều giải pháp tài chính. Đó là tăng vốn chủ sở hữu, huy động vốn trên sàn chứng khoán, mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn ứng trước của khách hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trung Tín – Vnexpress