Ngư dân để sứa trên bãi cát để xẻ thịt, sau đó đưa xuống biển rửa sạch, rồi chất lên xe chở đi tiêu thụ.
Người ướt đẫm nước biển, ông Phạm Nga (58 tuổi) xã Tam Thanh cho biết, sau tết Nguyên đán, mỗi ngày ông chèo thuyền ra biển từ 4h bắt sứa, đến 8 giờ vào bờ, bắt được hơn một tạ sứa.
Sứa tập trung nhiều ở vùng biển cách bờ khoảng một km, dập dềnh trong nước, ngư dân dùng những tấm lưới dài 300 m để vớt. “Một con sứa nặng từ 20 đến 70 kg, thân nó chứa nhiều nước nên chúng tôi phân ra nhiều miếng để dễ đưa lên thuyền”, ông Nga nói.
Với giá bán 10.000 đến 15.000 đồng mỗi kg sứa, ông Nga cùng một ngư dân khác thu hơn một triệu đồng trong bốn giờ làm việc. Ngoài sứa còn có cá, ghẹ mắc vào lưới.
Theo nghề bắt sứa hơn 5 năm nay, ông Nga nói mùa sứa chỉ kéo dài từ tháng giêng âm lịch đến tháng 2 và không phải năm nào cũng được mùa, thậm chí có năm sứa không xuất hiện
“Năm nay sứa theo sóng dạt vào gần bờ rất nhiều nên dễ đánh bắt, mọi người trong làng phấn khởi và đổ ra tranh thủ làm thêm”, ông Nga cho hay.
Đưa 70 kg sứa sau chuyến đánh bắt lên bờ, ông Nguyễn Văn Đình (50 tuổi) xã Tam Thanh, cùng vợ con mang dao xẻ thịt, loại bỏ những phần thịt mỏng, nhiều nhớt. Những con sứa to bằng mâm ăn cơm được cắt thành miếng dài 20 đến 40 cm. Đôi tay của vợ chồng ông Đình sau nhiều giờ tiếp xúc với nước biển trở nên trắng bệch, nhăn nhúm.
“Muốn bắt được nhiều sứa phải dậy sớm ra biển, vì khi mặt trời lên, sóng to thì thuyền nan nhỏ phải cặp bờ, nếu không gặp vùng nước xoáy dễ bị lật. Ở làng tôi có mấy người đánh đổi cả tính mạng do lật thuyền đuối nước”, ông Định chia sẻ.
Bà Trần Thị Thuận, thương lái ở bãi biển xã Tam Thanh cho hay, mỗi ngày bà thu mua được khoảng 5 tạ sứa, đem bán lại cho các quán nhậu hoặc bán lẻ ở chợ.
“Sứa thường được chế biến thành món gỏi chấm với mắm ruốc, ăn kèm với quả vả, xoài xanh, rau thơm, hoa chuối, khế xanh…”, bà nói.
theo Đắc Thành – Vnexpress