“Tôi không thể làm gì cả. Tôi chỉ có một mình, đơn độc và bất lực”, Wang Sheng cho biết. Người đàn ông 49 tuổi này chỉ còn chút tiền tiết kiệm ít ỏi, phải ăn mì tôm qua ngày và sống trong căn phòng nhỏ thuê với giá 60 USD một tháng.
Wang từng có công việc tại Thâm Quyến, thành phố công nghiệp năng động của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán và nhanh chóng lây lan tới 31 tỉnh thành của Trung Quốc, các nhà máy đều từ chối Wang khi biết ông quê ở tâm dịch Hồ Bắc, dù ông chưa về quê suốt nhiều năm qua.
Tại Trung Quốc, khoảng 300 triệu người nhập cư lâu nay sống dựa vào những công việc nặng nhọc, mức lương thấp, phải ở trong những khu tập thể đông đúc hay căn hộ tồi tàn, cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội như giáo dục, lương hưu, hệ thống y tế cộng đồng.
Bất chấp điều đó, họ vẫn cố gắng bám trụ nơi thành thị và nuôi hy vọng về tương lai tươi sáng, bởi công việc ở nông thôn rất khan hiếm, trong khi lương thậm chí thấp hơn. Cuộc đấu tranh sinh tồn của nhóm người này giờ đây càng khó khăn, khi họ nằm trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quá trình chống dịch Covid-19 quyết liệt của Trung Quốc.
Hôm 23/2, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc còn “nghiêm trọng và phức tạp”, đề nghị giới chức tiếp tục nỗ lực ngăn nCoV lây lan, nhưng cũng kêu gọi họ đồng thời tập trung vào tái khởi động sản xuất. “Chúng ta phải biến áp lực thành động lực, biến khủng hoảng thành cơ hội, khôi phục trật tự sản xuất và sinh hoạt”, ông nói.
Tuy nhiên, chính những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc đang cản trở người lao động từ nông thôn, khi chỉ 1/3 lực lượng này quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, theo thống kê của chính phủ. Các nhà máy dần mở cửa trở lại, nhưng thường hoạt động dưới công suất, một phần do thiếu nguyên liệu, nhưng chủ yếu là do công nhân bị mắc kẹt ở quê nhà.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng và vận tải vẫn đóng cửa, yêu cầu nhân viên tạm nghỉ ở nhà và thường không trả lương. Tình trạng này khiến những lao động nhập cư như “ngồi trên đống lửa”, bởi họ thường không có nhiều tiền tích lũy, bởi thu nhập hàng tháng chỉ vừa đủ trang trải mức phí sinh hoạt ngày càng tăng ở các đô thị Trung Quốc.
Yang Chengjun, người đàn ông 58 tuổi sống ở đông bắc Trung Quốc và làm thợ mộc bán thời gian, cho biết ông và con trai đang phải “tự cung tự cấp”, sống dựa vào nguồn gạo và rau mà họ trồng được, đấu tranh “chỉ để sống sót”. Yang sợ rằng gia đình sẽ cạn tiền trong một tháng tới.
“Áp lực đối với người lao động nhập cư luôn nặng nề. Dịch bệnh như xát thêm muối vào vết thương”, ông Yang nói.
Nỗ lực mưu sinh của họ càng nhọc nhằn hơn khi giới chức các địa phương cho rằng mỗi người nhập cư là một “ổ virus” tiềm tàng, có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại một số thành phố, người nhập cư bị buộc cách ly tại những cơ sở của chính quyền, theo các bài đăng trên mạng xã hội. Những địa phương khác, như thành phố Vô Tích ở tỉnh Giang Tô, thậm chí cấm người nhập cư đi vào.
“Chúng tôi vốn vô cùng cực khổ, giờ đây mọi hy vọng đều vụt tắt”, Liu Wen, một công nhân ở thành phố Trịnh Châu, cho hay. Liu bị đuổi khỏi căn hộ sau khi trở về từ quê chồng ở tỉnh Quảng Đông, do chủ nhà lo ngại cô có thể mang mầm bệnh nCoV. Người phụ nữ 42 tuổi đang phải sống cùng chồng và hai con trong một nhà nghỉ.
Lực lượng lao động nhập cư còn bị hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do quy định về hộ khẩu khiến họ rất khó thay đổi nơi cư trú hợp pháp lên thành phố, dù đã sống tại đó nhiều thập kỷ. Khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều người lao động cư trú tại các đô thị lớn bị viêm phổi, hoặc xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh khác, cho biết họ không thể tìm được nơi khám chữa bệnh có giá cả phải chăng.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nhiều người lao động lo sợ “vết thương” kinh tế sẽ tiếp tục âm ỉ thêm vài tháng hoặc lâu hơn nữa. Tỉnh với hơn 10 triệu lao động nhập cư này vẫn bị cô lập với phần còn lại của Trung Quốc, hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Huang Chuanyuan, một công nhân xây dựng ở Hồ Bắc, đã ngừng mua thịt để tiết kiệm tiền, khi cấp trên cho biết ông buộc phải đợi ở nhà. “Bây giờ tôi không muốn nghĩ về tương lai. Càng nghĩ đến nó tôi càng căng thẳng”, người đàn ông 46 tuổi có ba con cho biết.
Những gánh nặng ngày càng chồng chất thúc đẩy một số lao động kêu gọi giới chức địa phương nỗ lực hơn nhằm giúp mở cửa lại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đáp lại lời khẩn cầu của họ thường chỉ là sự im lặng, bởi chính quyền còn đang “đau đầu” phòng chống dịch Covid-19.
Ông Wang, người gõ cửa từng nhà máy ở Thâm Quyến, lo rằng ông có thể mất vài tháng để tìm việc. Mỗi ngày ông đều lùng sục khắp các trang mạng để tìm tin tuyển dụng, đồng thời theo dõi diễn biến dịch Covid-19 trong tâm trạng uất ức.
“Bạn phải tự chịu đựng nỗi cô đơn mà vẫn bị phân biệt đối xử. Phòng Lao động giờ đây im lặng, trong khi tôi đơn độc giữa Thâm Quyến”, Wang viết trên mạng xã hội.
Ánh Ngọc (Theo NY Times) – Vnexpress