Dân Hàn tự chế khẩu trang chống nCoV

Khẩu trang cháy hàng hoặc quá đắt buộc nhiều người Hàn Quốc phải tự chế đồ bảo hộ khi nCoV không ngừng lây lan.

Khẩu trang và nước rửa tay “cháy hàng” ở hầu hết các hiệu thuốc, cửa hàng bán lẻ hay trang mua sắm trực tuyến ở Hàn Quốc hoặc đội giá cao vì nhu cầu tăng mạnh, khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu ngừng lây lan với tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 2.000, mức cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục.

“Bạn thấy đó, khẩu trang giờ được bán với giá cắt cổ vì khan hiếm, nhưng thậm chí cũng không có mà mua. Do đó, tôi phải tìm phương án khác”, Yang Bo-sang, cư dân 44 tuổi ở Seoul, chia sẻ.

Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, Yang phát hiện vải không dệt có tác dụng giống như màng lọc, nên anh quyết định thêm một tấm vải không dệt vào phía trong khẩu trang vải thông thường. Ông bố hai con này đặt tên cho sản phẩm của mình là “BS70”, ghép từ chữ cái đầu trong tên của anh.

Khẩu trang tự chế từ miếng vải không dệt của Yang Bo-sang ở Seoul. Ảnh: Korea Herald.
Khẩu trang tự chế từ miếng vải không dệt của Yang Bo-sang ở Seoul. Ảnh: Korea Herald.

Theo dữ liệu của cơ quan thống kê Hàn Quốc, khẩu trang dùng một lần hiện được bán trên mạng với giá hơn 4.000 won (3,3 USD) mỗi chiếc. Trong khi đó, Yang chỉ mất khoảng 1.010 won (0,8 USD) để làm ra một chiếc khẩu trang tự chế “BS70”.

“Khẩu trang tự chế không thể so sánh về chất lượng với khẩu trang bán trên thị trường, nhưng là thứ gần nhất về khả năng lọc không khí mà tôi có thể có”, Yang nói.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang từng bước xử lý các vấn đề liên quan tới nhu cầu khẩu trang và dung dịch sát khuẩn, như hạn chế xuất khẩu khẩu trang và yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp 50% sản phẩm hàng ngày của họ cho các nhà bán lẻ do nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý.

Echoing Yang, hay còn gọi là Amber Oh, 35 tuổi, sống ở tỉnh Nam Chungcheong, cũng lựa chọn khẩu trang tự chế để chống nCoV. “Trong tình hình hiện nay, thật khó tìm mua khẩu trang và giá cũng rất đắt, nên tôi quyết định tự làm bằng tất cả khả năng của mình”, Oh nói.

“Sau khi nhận ra sản phẩm của tôi có hiệu quả không kém gì khẩu trang tiêu chuẩn về khả năng lọc bụi mịn, tôi thấy không cần thiết phải mua khẩu trang. Tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn khi làm vài cái, sau đó thường xuyên giặt sạch và tái sử dụng”, Oh nói thêm và cho biết chồng, bố mẹ và anh em của cô đều đang dùng loại khẩu trang này.

Để đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhiều nhóm tình nguyện và Hiệp hội Phụ nữ Saemaul trên đảo Jeju hồi đầu tháng phân phát 100.000 khẩu trang tự chế dùng một lần, được làm từ khăn giấy và dây chun.

“Khẩu trang bằng khăn giấy không hiệu quả như khẩu trang y tế, nhưng vẫn tốt hơn là không có để đeo”, một quan chức đảo Jeju cho biết.

Hiệp hội dược sĩ trên đảo Jeju và giới chức y tế địa phương cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết về các bước chế dung dịch sát khuẩn, cũng như cung cấp các thành phần điều chế.

Khẩu trang tự chế từ khăn giấy và dây chun của nhóm tình nguyện và Hiệp hội Phụ nữ Saemaul, đảo Jeju hồi đầu tháng này. Ảnh: Korea Herald.
Khẩu trang tự chế từ khăn giấy và dây chun của nhóm tình nguyện và Hiệp hội Phụ nữ Saemaul, đảo Jeju hồi đầu tháng 2. Ảnh: Korea Herald.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tranh cãi về tính hiệu quả của khẩu trang tự chế, trong khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cũng đưa ra những cảnh báo khi sử dụng loại khẩu trang này.

“Chúng ta nên đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm virus corona, nhưng khẩu trang vải có thể bị ướt, dẫn tới khả năng bảo vệ bị hạn chế”, Jeong Eun-Kyeong, giám đốc KCDC nói trong họp báo đầu tháng này.

Bà Jeong thêm rằng khẩu trang y tế và khẩu trang có khả năng lọc khí là lựa chọn an toàn hơn đối với mọi người. 

Hàn Quốc hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm 20/1 với bệnh nhân là một phụ nữ đến từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, rồi bùng phát một tháng sau đó với hơn 100 ca nhiễm, chủ yếu được phát hiện tại thành phố Daegu. Đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 2.022 ca nhiễm nCoV, trong đó 13 người đã tử vong.

Thanh Tâm (Theo Korea Herald) – Vnexpress