Khoảng 14% bệnh nhân khỏi nCoV và được xuất viện ở tỉnh Quảng Đông cho kết quả dương tính với nCoV trong đợt xét nghiệm sau đó, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Đông Tống Thiết ngày 25/2 cho biết.
Giới chuyên gia đánh giá có một số cách bệnh nhân có thể tái nhiễm nCoV. Cơ thể bệnh nhân có thể chưa tạo đủ kháng thể để miễn dịch với nCoV và bị nhiễm lại. Trường hợp thứ hai, virus có thể chưa được triệt tiêu hết và chúng hoạt động theo hai giai đoạn, nghĩa là nó “ngủ đông” cho đến khi tạo ra triệu chứng mới, gây ra lầm tưởng ban đầu rằng bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Một số trường hợp “tái nhiễm” ở Trung Quốc được cho là do khác biệt về xét nghiệm. Thái Vệ Bình, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Nhân dân Số 8, cho biết kết quả dương tính với nCoV ở các bệnh nhân khỏi bệnh đều được phát hiện từ mẫu phân, biện pháp ít được sử dụng tại Trung Quốc. Hướng dẫn điều trị quốc gia chỉ yêu cầu xét nghiệm dịch họng hoặc mũi của bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, vì nCoV được cho là lây lan qua ho hoặc hắt hơi.
Một nghiên cứu của Đại học Y Quảng Châu phát hiện nCoV xuất hiện trong các mẫu phân của người bệnh, cho thấy một con đường lây nhiễm mới. Một số bệnh viện ở Quảng Đông đã bắt đầu áp dụng xét nghiệm mẫu phân.
Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh, nói rằng nữ hướng dẫn viên Nhật có thể đã nhiễm nCoV lần hai. Nhưng cũng có khả năng virus vẫn tồn tại trong người cô từ trước và cô đã không được xét nghiệm đúng cách trước khi xuất viện. Cô này lần đầu tiên dương tính với nCoV vào cuối tháng một và được xuất viện ngày 1/2, khiến một số chuyên gia cho rằng virus đã “ngủ đông” cho đến đợt phát bệnh lần hai.
Một nghiên cứu của tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ về 4 nhân viên y tế nhiễm bệnh tại Vũ Hán cho thấy có khả năng một số bệnh nhân đã hồi phục vẫn mang mầm bệnh, ngay cả khi đáp ứng tiêu chí xuất viện. Tại Trung Quốc, bệnh nhân cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng và không còn tổn thương trong kết quả chụp X quang trước khi xuất viện.
Allen Cheng, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia, nói rằng ông không rõ liệu các trường hợp tái nhiễm là bệnh nhân nhiễm nCoV lần hai hay vẫn mang trong mình virus sau khi các triệu chứng đã biến mất. Tuy nhiên, ông đánh giá trường hợp ở Nhật là nhiễm mới.
Tống Thiết cho biết các bệnh nhân tái nhiễm ở Quảng Đông dường như không lây virus cho người khác. “Sau khi một người nhiễm virus, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Sau khi các kháng thể được tạo ra thì người đó sẽ không còn lây bệnh cho người khác nữa”, ông nói.
Thông thường, bệnh nhân bình phục sẽ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu giúp họ miễn nhiễm với virus, nhưng việc tái nhiễm vẫn có thể xảy ra, Adam Kamradt-Scott, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cho biết.
“Trong hầu hết trường hợp, vì cơ thể họ đã miễn dịch đối với lần nhiễm virus đầu tiên, lần nhiễm thứ hai thường ít nghiêm trọng hơn”, Kamradt-Scott nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cũng nêu khả năng “tăng cường miễn dịch phụ thuộc kháng thể”, có nghĩa là kháng thể tạo ra trong lần nhiễm trước đó không có tác dụng trung hòa virus mà lại làm họ dễ nhiễm lần hai hơn và có triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Trung Quốc đã cho 36.117 bệnh nhân xuất viện, theo dữ liệu Ủy ban Y tế Quốc gia công bố ngày 28/2, chiếm gần 46% số ca nhiễm. Nhưng nếu tỷ lệ tái nhiễm là 14% giống như tình hình tại Quảng Đông thì rủi ro vẫn ở mức cao.
“Vấn đề bây giờ không phải là liệu bệnh nhân có tái nhiễm hay không mà là số lượng người tái nhiễm”, Allen Cheng nói.
Phương Vũ (Theo Reuters) – Vnexpress