Các yếu tố giúp Mỹ bảo đảm chất lượng không khí

Việc thực thi Đạo luật Không khí sạch và cung cấp dữ liệu chính xác là hai yếu tố giúp Mỹ bảo đảm chất lượng không khí, theo Đại biện lâm thời McClelland.

“Mỹ từng hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí khủng khiếp vào thập niên 1970, đặc biệt là ở các thành phố công nghiệp như Pittsburgh, Detroit và Cleveland”, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland nói trong Tọa đàm Nâng cao nhận thức về chất lượng không khí tại Hà Nội chiều nay.

Theo bà McClelland, phần lớn các thành phố Mỹ hiện nay được hưởng chất lượng không khí “đáng ghen tị” là nhờ 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, chính phủ Mỹ nhận ra và có biện pháp phản hồi về những mối lo ngại của người dân đối với chất lượng không khí. Thứ hai, Mỹ cung cấp dữ liệu về chất lượng không khí chính xác và miễn phí cho người dân. Thứ ba, Mỹ thông qua Đạo luật Không khí Sạch năm 1970 để giảm phát thải và cuối cùng là thực thi đạo luật này một cách quyết liệt.

Bà McClelland cho biết kể từ khi Đạo luật Không khí Sạch được thông qua, tổng lượng phát thải của 6 chất ô nhiễm phổ biến nhất giảm ở mức trung bình 69%, trong khi GDP của nước Mỹ tăng 238%.

Bà cho rằng Việt Nam đang trải qua thời kỳ ô nhiễm không khí như Mỹ trước đây, khi Liên minh toàn cầu về sức khoẻ và ô nhiễm năm 2017 công bố số ca tử vong ở Việt Nam liên quan đến ô nhiễm không khí là hơn 71.000 người.

“Năm 2019, World Air Quality Report cho rằng Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, và những ai ở thành phố này cách đây vài tuần sẽ hiểu rõ điều đó”, bà McClelland nói.

Hôm 21/2, hệ thống quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội ghi nhận 7/11 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200, mức “rất xấu”, tương ứng với cảnh báo “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn”. Hệ thống quan trắc của Đại sứ quan Mỹ tại quận Hoàn Kiếm hôm đó cũng cho chỉ số AQI 227.

Theo bà, những gì nước Mỹ đã làm vào thập niên 1970 cho thấy chúng ta có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm chất lượng không khí mà không phải đánh đổi bằng ô nhiễm môi trường.

“Việt Nam cũng có thể làm được điều đó. Đó là điều mà chúng tôi biết rằng người dân Việt Nam mong muốn và chính phủ các bạn đang nỗ lực để đạt được”, bà McClelland phát biểu.

Bầu trời khu vực Hà Nội nhìn từ đường Lê Văn Lương. Ảnh: Bá Huấn
Bầu trời khu vực Hà Nội sáng 21/2 nhìn từ đường Lê Văn Lương. Ảnh: Bá Huấn.

Bà Holly Lindquist Thomas, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế của Đại sứ quán Mỹ, cho biết phía Mỹ thường xuyên trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, với chính quyền thành phố Hà Nội và TP HCM về chất lượng không khí. Hai bên tập trung thảo luận về việc tăng số lượng các trạm đo của Việt Nam, cũng như triển khai các dự án trong khuôn khổ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Bà cũng cho rằng có nhiều yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trong đó giao thông vẫn là một yếu tố quan trọng, giống như các nhà máy nhiệt điện. “Tôi cho rằng chúng ta cần có thêm nghiên cứu để xác định các yếu tố chính và mức độ đóng góp của chúng đối với chất lượng không khí tổng thể”, bà Thomas nói với VnExpress bên lề tọa đàm.

Hồi đầu tháng 10/2019, khi không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng, Thomas đã cho rằng các nguyên nhân là khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp nặng, các nhà máy sử dụng nguyên liệu than đá. Các yếu tố khác cũng có thể gây ô nhiễm không khí như việc người dân ở nông thôn đốt rơm rạ, chế phẩm sản xuất nông nghiệp, hay các nguyên nhân thời tiết như độ ẩm, tốc độ gió…

Thomas cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng được người dân và truyền thông Việt Nam quan tâm và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ sớm công bố nghiên cứu về chất lượng không khí của Việt Nam.

“Tôi hy vọng các nghiên cứu mới sẽ giúp chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định về trọng tâm trong nỗ lực nâng cao chất lượng không khí”, Thomas nói. Bà cho rằng trong thời gian này, người dân Việt Nam nên chú trọng việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường dùng xe đạp và đi bộ để giảm bớt tác động tiêu cực tới chất lượng không khí.