Viện trưởng Pasteur: ‘Trẻ đến trường an toàn hơn ở nhà’

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur, không khuyến khích cho học sinh đi học trở lại, song cho rằng “trẻ đến trường an toàn hơn ở nhà”.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của TP HCM tối 25/2, PGS Phan Trọng Lân dẫn thống kê cho thấy số người nhiễm nCoV dưới 10 tuổi chiếm 1%, từ 10 đến 20 tuổi chiếm 1%. Hiện, thế giới có một số học sinh bị nhiễm nCoV nhưng không phải lây lan ở trường học.

“Như vậy, toàn thế giới đến nay chưa ghi nhận việc lây nhiễm trong trường học. Giữa việc để các em ở nhà hay cho đến trường, cá nhân tôi thấy các em đến trường khả năng sẽ an toàn hơn”, ông Lân nói.

Về khẩu trang, ông Lân cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trường hợp bắt buộc đeo khẩu trang là người nhiễm bệnh; người chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh và khi đến nơi công cộng đông người. Do đó, khi đến trường học sinh không nhất thiết phải đeo khẩu trang nhưng cần tăng cường thông tin cho cha mẹ yên tâm.

Tuy nhiên, việc quyết định thời điểm nào cho học sinh trở lại trường còn phải đánh giá trên yếu tố dịch tễ, nghĩa là phải xem xét kỹ tình hình dịch bệnh ở gần thời điểm quyết định cho đi học. “Thành phố có hệ thống giám sát dịch bệnh rất tốt nên việc phát hiện ca nhiễm trong trường học cũng rất đầy đủ và bài bản. Trường hợp nào có yếu tố dịch tễ, có sốt và ho… sẽ được kiểm tra và cách ly ngay”, Viện trưởng Pasteur nói.

PGS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Trung Sơn
PGS.TS Phan Trọng Lân tại buổi làm việc tối 25/2. Ảnh: Trung Sơn.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh (Bệnh viên Nhi đồng 1, TP HCM) nói rằng, thống kê tỷ lệ nhiễm bệnh của trẻ em dưới 10 tuổi là từ 78.000 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung Quốc. Con số này hoàn toàn chính xác và không thể tranh cãi. Điều này cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh trong độ tuổi học sinh là rất thấp.

“Nói cho học sinh đi học sợ lây nhiễm bệnh thì ai là người lây cho các em? Người lây chắc chắn phải là người lớn, chứ các em không thể nào đi qua Trung Quốc được”, ông Khanh nói và cho rằng nguồn lây nhiễm ngoại lai đầu tiên chính là người lớn. Do đó cần kiểm soát chặt người lớn hơn là học sinh.

Bác sĩ Khanh bày tỏ băn khoăn về việc nhiều địa phương đang cho học sinh nghỉ đến giữa tháng 3 trong khi tình hình dịch nCoV hiện cũng giống như tuần trước.

“Nghỉ tiếp liệu có yên tâm hơn không? Nếu nói tháng 4 trời nắng nóng, virus ít lây lan hơn thì mình có dám bỏ kiểm soát ở sân bay, cửa khẩu hay vẫn phải kiểm soát chặt như bây giờ?”, ông Khanh nêu vấn đề và cho biết Singapore, Thái Lan hiện vẫn cho học sinh đi học. Những người cần đeo khẩu trang là giáo viên, bảo vệ, nhân viên chế biến đồ ăn vì họ tiếp xúc nhiều. “Cái cần thiết nhất là dạy các em rửa tay thường xuyên để giữ vệ sinh”, ông Khanh nói.

Học sinh trường THCS TP Bến Tre đeo khẩu trang trong lớp trưa 7/2. Ảnh: Hoàng Nam.
Học sinh trường THCS TP Bến Tre đeo khẩu trang trong lớp trưa 7/2. Ảnh: Hoàng Nam.

Hiện, các cơ sở giáo dục tại TP HCM đã chuẩn bị mọi công tác để đón học sinh đi học lại. Việc triển khai phòng chống dịch ở các trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nước rửa tay, dung dịch cồn khô được các trường sắm đủ, nhiều nơi mua thêm máy đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, gần tháng nay nhân viên luôn quét dọn, vệ sinh phòng dịch. Bàn ghế, tay vịn cầu thang được lau chùi thường xuyên. Trường mua thêm xà bông, nước rửa, cồn diệt khuẩn. Ban giám hiệu thường xuyên tập huấn cách phòng dịch nCoV theo tài liệu của Bộ Y tế.

“Mọi thứ luôn sẵn sàng để các em quay lại trường nếu có thông báo chính thức từ thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi không tránh khỏi tâm lý lo lắng, hồi hộp. Phải hết sức thận trọng khi quyết định cho học sinh đi học vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi trường lớp là nơi tập trung đông người. Chỉ cần một học sinh nghi mắc bệnh, công tác cách ly, theo dõi rất khó khăn”, ông Phú nói.

Giáo viên trường THCS - THPT Hồng Hà (TP HCM) vệ sinh, khử khuẩn lớp học ngày 22/4. Ảnh: Mạnh Tùng
Giáo viên trường THCS – THPT Hồng Hà (TP HCM) vệ sinh, khử khuẩn lớp học ngày 22/4. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hơn 40 năm làm công tác quản lý giáo dục tại TP HCM, nhà giáo Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1) nói rằng, thành phố chưa từng trải qua kỳ nghỉ trong năm học dài như hiện nay. Từ bài học của dịch cúm gia cầm H5N1 hơn 10 năm trước mà mình từng trải, ông Minh ủng hộ cho học sinh nghỉ hết tháng 3 để theo dõi tiếp.

Ông Minh kể, thời điểm dịch H5N1 bùng phát, trường Trần Văn Ơn phải đóng cửa 10 lớp học vì có học sinh nghi bị nhiễm bệnh. Mỗi sáng, ban giám hiệu và y tế nhà trường kiểm tra thân nhiệt và theo dõi tình hình sức khoẻ học sinh. Khi đó, cả thầy lẫn trò đều vất vả, mệt mỏi.

TP HCM hiện có gần 2 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong hiện chưa đưa ra quyết định khi nào học sinh sẽ đi học trở lại. Đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM chỉ là phương án chuẩn bị.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho rằng diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp. Tâm điểm mới tuần trước là Trung Quốc, giờ đã chuyển sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, dù đã đạt được một số kết quả trong chống dịch, các sở ngành không được lơ là. Hiện, tổng số giường để điều trị nCoV của TP HCM là 900, nếu số người nhiễm vượt giới hạn đỏ này thành phố sẽ bị “vỡ trận” nên phải cố gắng không để số ca nhiễm tăng thêm.

 Trung Sơn – Mạnh Tùng – Vnexpress