Lạnh lùng và tàn nhẫn, đấy là cách Real Madrid tiến lên.
Ramon Calderon, Chủ tịch CLB giai đoạn 2006-2009, là một trong những người hiểu rõ nhất điều đó. Ông nói: “Ở Madrid, bạn phải chiến thắng. Không phải là mục tiêu, chiến thắng trở thành điều bắt buộc. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, mỗi lần đội bóng chiến thắng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều hơn vui sướng. Ở Madrid, không chỉ cầu thủ và HLV, đến cả Chủ tịch cũng có khả năng bị sa thải. Mỗi lần mang về một cầu thủ hay HLV không thành công, Chủ tịch sẽ phải nghe chỉ trích đến độ trầm cảm. Real là một trọng trách lớn, và là một thương hiệu toàn cầu. Tôi đã gặp 10 vị Thủ tướng và hai vị Giáo hoàng, ai cũng muốn chụp hình với chiếc áo đấu của đội bóng”.
Năm 2003, Real mua David Beckham từ Man Utd. CLB ấn định giờ ra mắt là 11h, vốn là “khung giờ vàng” của các mặt báo châu Á, nơi Becks rất được mến mộ. Kết quả: đó là sự kiện toàn cầu được theo dõi nhiều thứ hai trong lịch sử, chỉ sau tang lễ của Công nương Diana.
Tình cảm là thứ gì đó thật xa xỉ tại Real. Barca rất tự hào với khẩu hiệu “Mes que un club” (Còn hơn cả một CLB) và lò đào tạo La Masia trứ danh. Real chỉ chiều lòng CĐV bằng những chữ ký của các ngôi sao tốt nhất. Tờ Sport ví cuộc thư hùng El Clasico là cuộc chiến giữa “học viện” và “tấm séc”. Cựu Chủ tịch Barca, Joan Laporta, thì nói: “Real mua ngôi sao, còn chúng tôi tạo ra họ”.
Gần đây, La Masia bắt đầu cạn kiệt tài năng, vị thế của Barca cũng theo đó mà sụt giảm. Nhưng Real vẫn vươn lên nhờ duy trì tôn chỉ: trở thành CLB xuất sắc nhờ những cái tên xuất sắc. Mà cầu thủ xuất sắc trên thế giới lúc nào chẳng có, không cần phải chờ như Barca nhìn về La Masia.
Từ “chờ đợi” không có trong từ điển của Real. CLB rất nhanh chóng bổ nhiệm các HLV hàng đầu và đuổi họ đi càng nhanh hơn. Kể từ khi John Toshack ngồi vào ghế nóng năm 1989, CLB Hoàng gia đã trải qua 26 đời HLV trong vỏn vẹn 30 năm. Chỉ Vicente Del Bosque và Jose Mourinho tại vị được ba mùa giải. Những định nghĩa về thành công và thất bại được tái định hình. Carlo Ancelotti bị sa thải chỉ một năm sau khi giúp Real giành cú Decima – chức vô địch Champions League thứ 10.
Nhiều tên tuổi khác còn bi đát hơn. Được bổ nhiệm vào tháng 8/2004, Jose Antonio Camacho từ chức vào tháng 9, khi mùa giải vừa khởi tranh vì không chịu nổi áp lực. Người kế vị Mariano Garcia Remon cũng chỉ yên vị được ba tháng. Gần nhất Rafa Benitez và Julen Lopetegui, bị sa thải khi mùa giải còn đang ngổn ngang.
Thời vận của họ đơn giản đã hết. Aitor Karanka, một cựu cầu thủ và sau này trở thành trợ lý của Jose Mourinho, lý giải: “Khắc nghiệt đã trở thành bản chất của Real. Jupp Heynckes giúp Real vô địch Champions League năm 1998, cũng chỉ để bị sa thải ngay sau đó. Del Bosque giành tới hai Champions League, bên cạnh hai La Liga, cũng phải ra đi. Bạn phải làm việc tận lực, vì án sa thải có thể đến bất kỳ lúc nào”.
Champions League đã quay lại, mọi chú ý đều đổ dồn vào màn tiếp đón Man City của Real, đội bóng đã 13 lần đăng quang tại đấu trường này. HLV của họ, Zidane, sở hữu đến bốn trong số đó, một khi là cầu thủ và ba lần liên tiếp trên cương vị HLV. Nhưng giới mộ điệu vẫn không dành cho “Zidane – HLV” sự tôn kính như với những nhà cầm quân khác kiểu Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Diego Simeone.
Tờ The Athletic đã trò chuyện với các cựu HLV, cầu thủ và nhân viên của Madrid để hiểu hơn về cách làm việc của đội bóng này, để luận ra lý do vì sao nhiều người thất bại và tại sao Zidane lại thành công tới thế.
Trong một quán cà phê tại Surrey xứ Tadworth, Paul Clement chia sẻ về ngày đầu ông tới Real. Clement là trợ lý thân thiết của Carlo Ancelotti từ Chelsea qua tới PSG và Real. Ở Chelsea và PSG, họ rất thành công. Nhưng khi đến Madrid vào tháng 6/2013, cả hai vấp phải thử thách lớn nhất sự nghiệp.
Sự bỡ ngỡ đầu tiên là tầm vóc của CLB. Clement nhớ lại: “Tổ chức của họ lớn chưa từng thấy, vượt xa so với Chelsea hay PSG. Người ngoài nhìn vào có khi lại nghĩ đó là một tổ chức tôn giáo chứ không phải một CLB. Ở Real, hệ thống vận hành CLB có chiều sâu hơn và chất lượng đội hình cũng ở mức cao hơn. Nhiều CĐV hơn, đông người theo dõi hơn. Nhiều mưu đồ hơn và tất nhiên cũng nhiều áp lực hơn. Mọi ánh mắt cứ đổ dồn vào tập thể này, truyền thông theo sát nhất cử nhất động của họ”.
“Tại mỗi sân bay mà chúng tôi đi qua, mọi người ùa đến tấp nập như thể chào đón The Beatles vậy, dù là ở Tây Ban Nha, khắp châu Âu hay ở Mỹ. Sẽ luôn có rất nhiều người la hét mỗi khi đội bóng xuất hiện, đặc biệt là với Cristiano Ronaldo. Họ sẵn sàng vượt rào để chạy theo, tới mức bảo vệ phải ngăn họ lại. Khi chúng tôi tới khách sạn, sảnh chờ cũng đông kín,” Clement nói.
Những tiêu chuẩn trong phòng thay đồ tại Madrid cũng phi thường không kém. Karanka đến Real từ Athletic Bilbao năm 1997. Ông nhớ lại: “Bước vào phòng thay đồ của Real là bước vào lãnh địa của những siêu sao thế giới. Sau hai tuần gia nhập Real, chúng tôi giành Siêu Cup Tây Ban Nha. Đó là chiếc cup đầu tiên trong sự nghiệp và tôi rất phấn khích. Tôi đã nghĩ mọi người sẽ ăn mừng nhiệt liệt trong phòng thay đồ nhưng không, các đồng đội đều bỏ đi tắm. Siêu Cup thì tuyệt đó, nhưng Real phải nhắm đến những chiếc cúp tuyệt hơn”.
Clement kể thêm: “Tôi và hai vợ chồng Carlo đáp chuyến bay riêng đến thăm trụ sở Real tại Valdebebas. Tiếp chúng tôi là Giám đốc điều hành CLB, Jose Angel Sanchez. Khu tập luyện của Chelsea đã tốt rồi, nhưng ở đây còn tốt hơn nhiều. Trùng hợp là thời gian này họ vừa khánh thành La Residencia, một tòa khách sạn 5 sao với 60 phòng ngủ bao gồm hai tầng: cầu thủ ở tầng một, cán bộ ở tầng hai. Tập đoạn Melia phụ trách xây khu này. Nó được nối liền với tòa nhà chính với đầy đủ các tiện nghi như phòng gym, bể bơi, văn phòng… Ai cũng có phòng riêng cả. Chúng tôi ở lại đó cho tới khi tìm được nhà riêng trong thành phố, suốt giai đoạn tiền mùa giải.
Rồi họ đưa chúng tôi tới SVĐ và tôi ngỡ ngàng khi thấy nó to lớn đến nhường nào. Đầu tiên phải kể đến phòng họp, ở đó trưng bày toàn bộ chín chiếc Cup C1 / Champions League. Dù bạn ngồi ở đâu trong phòng, thứ đầu tiên đập vào mặt vẫn luôn là dàn cup ấy. Đặc biệt, họ chỉ trưng bày chiến tích Champions League chứ không hề trưng bày thành tích quốc nội”.
Cũng trong chuyến đi đó, Carlo Ancelotti quyết định ký hợp đồng. Ancelotti và trợ lý Clement được mời đi ăn với người đàn ông quyền lực nhất: Chủ tịch Florentino Perez. Không phải ai cũng thoải mái với môi trường tại đây. Một cựu HLV Madrid chia sẻ: “So với các CLB khác, Real giống một công ty hơn, bạn sẽ cảm thấy mình như đang làm việc cho Microsoft, chứ không phải một CLB bóng đá. Tôi chưa từng thật sự cảm thấy mình thuộc về Real.”
Áp lực có thể làm những HLV lão luyện nhất mất phương hướng. Khi Toshack tới Madrid vào năm 1989, ông đã thi đấu cho Liverpool trong tám năm và cầm quân những CLB châu Âu có tiếng như Sporting Lisbon và Real Sociedad. Dẫu vậy, tại Real, không ngóc ngách nào là không có cạm bẫy. Đối với các thành viên trong gia đình cầu thủ và HLV, họ sẽ ngỡ ngàng vì cách truyền thông theo ông sát gót.
Cameron, con trai của Toshack, hiện dẫn dắt Pafos ở Cyprus, chia sẻ với tờ The Athletic: “Hiểu được áp lực là một chuyện, đưa ra quyết định lại là chuyện khác. Tôi đi thăm bố vài lần và ở đâu người ta cũng nhìn chúng tôi chằm chằm. Mọi người bàn tán về bố khi khi ông vừa vào trạm để đổ xăng. Có lần hai bố con đi chơi golf ở Moraleja, ngay bên ngoài Madrid. Ngày hôm sau, trên báo đã xuất hiện cả đống ảnh chụp chúng tôi. Dường như họ sử dụng ống kính tele để chụp vì tôi nhớ chẳng có ai xung quanh. Bố đùa: ‘Được lên báo rồi nha’ trong lúc tôi choáng váng vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Tại Madrid, Toshack đã nếm trải đủ loại đắng cay ngọt bùi. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (1989-1990), Toshack trình làng sơ đồ ba hậu vệ. “Rất nhiều người nghĩ nó sẽ không hiệu quả”, Cameron nói. “Nhưng sơ đồ ấy phát huy tối đa tiềm lực đội bóng. Real đã vô địch La Liga mùa ấy với điểm và số bàn thắng kỷ lục. Pichichi mùa ấy cũng thuộc về Hugo Sanchez, một huyền thoại của Real. Roberto Martinez, chiến lược gia người Bỉ, từng viết bài báo tán dương Johan Cruyff vì di sản mà ông để lại cho bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng ông cũng không quên ca ngợi bố tôi vì đã mang một làn gió mới đến xứ bò tót”.
Tuy nhiên, lần thứ hai Toshack cầm Real (1999) đã không được như ý, phần lớn do sự bảo thủ của chính ông. Mọi chuyện bắt đầu tệ dần và đỉnh điểm là khi ông chỉ trích thủ thành Albano Bizzarri. Sau đó, ông còn khẳng định: “Ngay cả khi lợn biết bay thì tôi cũng không xin lỗi”. Rồi ông bị sa thải. Vicente del Bosque lên tiếp quản, và mở ra một giai đoạn thành công.
Làm việc ở Madrid, bạn cần biết cách ứng xử với Chủ tịch, cầu thủ và cả truyền thông nữa. Nếu bạn để truyền thông nghe mùi khiếp nhược hoặc hoang mang, họ sẽ nhấn chìm bạn trong những lời chỉ trích. Và đã nhiều lần, Chủ tịch sẽ dựa trên truyền thông để đưa ra quyết định. Cựu Chủ tịch Calderon nhớ lại: “Fabio Capello bảo không thể gánh nổi trọng trách lâu hơn, Bernd Schuster bảo Real sẽ không thể đánh bại Barca tại Nou Camp. Đấy đều là những câu mà một HLV của Real không được phép nói. Người hâm mộ rất tức giận và họ phải trả giá. Hiển nhiên sa thải HLV phải dễ hơn là đuổi 24 cầu thủ rồi”.
Ở Madrid, mọi kỳ vọng luôn được thổi bùng lên. Ấy vậy mà dẫu biết sẽ bị sa thải không sớm thì muộn, các HLV vẫn khao khát được làm việc ở đây một lần. Nhưng không phải nhà cầm quân nào cũng phù hợp với Real. Mẫu HLV lý tưởng của bóng đá hiện tại cần phải có kỹ năng quản lý tốt, chiến thuật bài bản và lên chiến lược ba năm rõ ràng. Pep Guardiola, Diego Simeone, Antonio Conte, Mauricio Pochettino và Jurgen Klopp là những người như thế, và họ đều… không hợp với Madrid.
Bởi vì những HLV thành công nhất trong lịch sử Real, nếu điểm mặt lại, đều là những HLV… không huấn luyện. Họ nên là những “bậc thầy tâm lý” nhiều hơn là “bậc thầy chiến thuật”. Những người như Del Bosque, Ancelotti hay Zidane. Đây không phải là lời chê bai, mà là thực tế cách thức họ vận hành, cách họ dồn tâm huyết vào quản lý nhân sự, thay vì những quy trình máy móc.
Một HLV muốn thành công tại Real cần phải biết tán dương cầu thủ. Nếu HLV đó nghĩ đội bóng thắng được nhờ công huấn luyện, thì sẽ sớm xảy ra chuyện. Những người từng khoác áo Real, như Del Bosque hay Zidane, sẽ có lợi thế hơn khi cầm quân cho đội bóng, vì đã hiểu quá rõ văn hóa nơi đây. Ole Gunnar Solskjaer hay Frank Lampard cũng tiếp cận Man Utd và Chelsea theo cách tương tự. Mọi người thường dè bỉu lý thuyết này, nhưng ở Madrid, nó thật sự hợp lý. Không chỉ từng chơi cho Real và cầm quân cho đội trẻ, cả Del Bosque lẫn Zidane đều là những nhà quản lý nhân sự đại tài. Benitez và Lopetegui cũng từng có lịch sử với Real, nhưng vẫn thất bại thảm hại khi không có kỹ năng này.
Calderon khẳng định: “Zidane và Del Bosque rất biết cách quản lý phòng thay đồ. Zidane từng là huyền thoại của đội, nên rất được các cầu thủ kính nể. Những HLV như Mourinho hay Benitez luôn muốn giành vai chính, nhưng Zidane thì ngược lại, anh ta thích nhường vai đó cho các cầu thủ hơn. Anh ta là hậu phương cho tinh thần của các cầu thủ. Giúp cho các siêu sao cảm thấy hạnh phúc là điều không dễ, vì không phải lúc nào họ cũng được ra sân. Bạn cần đưa ra kế sách cho từng trận đấu nhưng quan trọng nhất, bạn phải là một nhà tâm lý giỏi. Và Del Bosque và Zidane là hai người là giỏi nhất.”
Trong cuốn “Lãnh Đạo Thầm Lặng” của Ancelotti, ông viết: “Điều quan trọng nhất khi nhậm chức tại Madrid chính là phải làm dịu phòng thay đồ sau khi Mourinho ra đi. Rất nhiều cầu thủ cảm thấy không ổn và tôi phải xây dựng mối quan hệ thật nhanh chóng.”
Clement nhớ lại: “Carlo rất khiêm nhường và biết cách giao tiếp với cầu thủ. Tôi chưa từng thấy ông ta làm phật lòng ai. Khi cần, ông ấy có thể cứng rắn giữ trật tự đội bóng và giúp các cầu thủ thể hiện tốt nhất. Mọi người rất tôn trọng Carlo. Khi ông rời Bernabeu, những cầu thủ có tiếng nói trong đội đã thể hiện rõ sự thất vọng. Sergio Ramos từng công khai bày tỏ chuyện đó, cả Ronaldo cũng vậy.”
Thử thách lớn nhất chính khi đến Madrid là phải chấp nhận mình không thể là Vua trong phòng thay đồ, nhưng đồng thời phải mau chóng thu phục nhân tâm cầu thủ. Trong bóng đá, khi một HLV ra đi, có một nguyên tắc bất thành văn là người kế nhiệm phải mang tính cách đối ngược người tiền nhiệm. Chuyện này diễn ra rất thường xuyên tại Madrid. Lấy ví dụ như khi Mourinho ra đi và để lại sự bất ổn, Ancelotti tới và chữa lành cho phòng thay đồ bằng sự nhẹ nhàng cần thiết. Benitez sau đó mang đến cho Real sự nghiêm khắc và kỉ cương.
Ở Real, mối quan hệ giữa HLV và cấp trên bị bóp méo đi bởi cấu trúc của CLB. Madrid có Perez, chủ tịch 72 tuổi đã ngồi đó từ năm 2009, sau nhiệm kì đầu 2000-2006. Sau thành công tại đấu trường Champions League ở thập kỷ vừa rồi, ông vượt mặt hàng loạt đối thủ trong năm 2017 và tiếp tục nắm giữ quyền lực thêm bốn năm. Ngần đó là đủ để biến ông thành người quyền lực nhất làng túc cầu.
Số phận của các chủ tịch ở Madrid phụ thuộc vào lời hứa hẹn của họ về những bản hợp đồng. Ví dụ, trước khi Calderon đắc cử, ông đã công khai ý định mang về Cesc Fabregas, Kaka và Arjen Robben. Nhưng rồi chỉ có Robben cập bến, Kaka thì gia nhập muộn hơn.
“OK”, ông mở lời. “Trong vụ Cesc, tôi đã nói chuyện với cậu ấy và Cesc bảo ‘Tôi sẽ sang, trừ khi Barca muốn có tôi’. Robben đến vào năm thứ hai trong nhiệm kì. Tôi không thể thuyết phục Kaka, nhưng chúng tôi đều biết cậu ta có vấn đề với đầu gối của mình. Cả ba lời hứa của tôi đều là thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể mang về Robben. Ngoài ra còn có Fabio Cannavaro, Ruud van Nistelrooy, Pepe, Marcelo, Gonzalo Higuain… toàn những cái tên chất lượng!”.
Và người giỏi nhất không ai khác ngoài Cristiano Ronaldo. Cầu thủ người Bồ kí kết với CLB thời Perez, nhưng đã manh nha từ thời Calderon. Năm 2009, đã có tin đồn về việc Ronaldo đạt thỏa thuận với Madrid khi còn khoác áo Man Utd. Anh đã định rời Old Trafford hè 2008, nhưng ở lại thêm một mùa theo lời đề nghị của Sir Alex Ferguson. Giờ đây, Calderon sẽ tiết lộ chi tiết vụ việc.
Ông kể: “Jorge Mendes đã làm rất tốt khi tôi ký kết với Cristiano. Ông ta là một tay cò luôn bảo vệ cho thân chủ. Cuối năm 2008, Cristiano gia hạn hợp đồng với Man Utd với điều kiện phải được đến Real sau đó, và gọi cho tôi báo rằng ‘Tôi đang tới đấy’. Chúng tôi biết chắc cậu ấy sẽ tới nên đã cài khoản phạt 30 triệu euro vào hợp đồng, tức là nếu chúng tôi ‘hủy kèo’, thì sẽ phải đền cho Cristiano 30 triệu và ngược lại. Cậu ta rất hạnh phúc tại Man Utd. Cristiano nhiều lần thổ lộ với tôi rằng cậu ta coi Ferguson như cha mình. Nhưng Cristiano muốn thay đổi, và chúng tôi bắt đầu nói chuyện”.
“Khoản phạt chính là yếu tố giúp củng cố bản hợp đồng. Ferguson không muốn bán học trò cưng, nhưng ông đã biết. Tôi cũng từng trải qua điều tương tự trong trường hợp của Robinho. Các cầu thủ sẽ đến gặp Chủ tịch và chúng tôi bảo sẽ cố tìm ra giải pháp ổn thỏa cho cả đôi bên. Tôi không muốn giữ chân một cầu thủ nếu cậu ta đã chán ở lại. Robinho đã tới gặp tôi và bảo cậu ta sẽ không thể trở thành ngôi sao nếu Cristiano cập bến. Mãi tới 31/8, tôi mới biết cậu ta định tới Man City. Ai đó từ City đã gọi điện hỏi mua Robinho, và thương vụ hoàn thành”, Calderon kể thêm.
Đối với những HLV, chủ tịch là phước lành, hoặc là điềm xui xẻo. Ancelotti nhận thức được điều đó khi mới tới. Sau này, ông viết: “Perez là người đứng đằng sau chín vụ sa thải HLV chỉ trong 12 năm tại vị. Tôi đã luôn thận trọng ngay từ đầu – đó là bản chất của công việc, và, như Perez đã tuyên bố sau khi sa thải tôi, gốc rễ của Madrid là không thể loại bỏ. Ngay cả khi bóng đá có những tiêu chuẩn điên rồ, Madrid vẫn rất khác biệt.”
Perez đứng sau công cuộc xây dựng Dải ngân hà khi ký kết những Luis Figo, David Beckham và Ronaldo béo, đồng thời ẵm luôn Gareth Bale, Cristiano Ronaldo, Eden Hazard và Luka Modric trong lần quay trở lại. Có nguồn tin cho rằng mối quan hệ của ông ta với Zidane tốt như vậy là do cả hai đã hiểu nhau với tư cách là chủ tịch và cầu thủ, nhiều ý kiến nội bộ cho biết Perez đã không ít lần tham khảo ý kiến của chiến lược gia người Pháp về phòng thay đồ trong nhiệm kì đầu tiên. Nhiều HLV hiểu rằng một tay Perez thao túng truyền thông địa phương, trong khi Manuel Pellegrini thì mô tả những lần trò chuyện với chủ tịch trong mùa 2009-10 là “rất tệ”.
Calderon nói với tờ The Athletic: “Perez quản lý cánh báo chí rất khôn khéo. Mục tiêu của đội là giành danh hiệu. Đó là cách mà một chủ tịch có thể được giữ chân. Nếu bạn thất bại, chắc chắn bạn sẽ phải ra đi. Ông ta đã giành ba Champions League liên tiếp. Nhưng đồng thời, những thiếu sót cũng đã được che đậy, và ông ta rất giỏi việc đó”.
Joaquin Maroto, một phóng viên người Tây Ban Nha, từng làm thư ký cho Perez trong năm năm lý giải: “Một vài vị chủ tịch chỉ đơn giản là nhà đầu tư. Họ đổ tiền vào đội bóng để thu về quyền lực và chẳng mấy khi đi xem đội nhà thi đấu, như giới chủ Mỹ ở Man Utd, hay những ông chủ Qatar ở PSG. Nhưng về phần Perez, ông luôn có mặt mỗi khi Real thi đấu suốt 30 năm qua. Cả gia đình ông sống với DNA Real Madrid ở trong người.
Tôi làm việc cho ông ấy, nhưng chẳng bao giờ phải nhận bất kì chỉ thị nào cả. Ông ấy muốn biết mọi thứ từ góc nhìn của giới mộ điệu, một con người cực kì chủ động. Cũng có lúc ông cảm thấy mình bị chỉ trích bất công nhưng lại không muốn kiểm soát mọi thứ. Sự thật thì ông ta là một người vô cùng thông minh, và sau cái chết của người vợ, cả cuộc đời Perez chỉ tận hiến cho màu áo trắng. Những quyết định của ông luôn đi kèm với lời giải thích hợp lí”.
Clement nhớ lại: “Chúng tôi không thường xuyên trông thấy ông ta, nhưng hễ có mặt trận nào là Perez lại ghé thăm phòng thay đồ ngay sau đó, dù cho đội bóng thắng, hòa hay thua và sẽ tới bắt tay tất cả mọi người. Ông ta quả là một con người nhiệt thành.”
Perez nhiệt thành, nhưng cực kỳ khắc nghiệt. Và ông luôn ngả về phía cầu thủ nhiều hơn là HLV, dù sự thực là một HLV phải coi sóc cả mấy chục ngôi sao trong đội. Khi người đại diện của Gareth Bale phàn nàn về việc Bale không cảm thấy hạnh phúc, Perez lập tức áp đặt Ancelotti phải dùng Bale nhiều hơn. Khi Benitez lên thay Ancelotti, yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng lối chơi của đội bóng xoay quanh Bale. Perez cũng là một người khó chiều. Ông thích thấy Real chơi tấn công, và đã có thời gian Real ra sân với bốn tiền vệ có xu hướng tấn công: James Rodriguez, Isco, Toni Kroos và Luka Modric. Bộ tứ huyền ảo này đã có một giai đoạn thăng hoa, nhưng sự thiếu cân bằng trầm trọng giữa công và thủ đã góp phần khiến Real trượt dốc trong mùa bóng cuối của Ancelotti.
Giữ cho các cầu thủ hạnh phúc mà vẫn dốc lòng tập luyện là một yêu cầu khó khăn khác của các HLV. Các cầu thủ Bayern sau này than phiền là các buổi tập của Ancelotti quá hời hợt. Nhưng xiết quá thì lại không trụ được ở Real. Trong cuốn tự truyện của ông, Michael Owen nhớ lại cách mà các cầu thủ ngôi sao được tự do trong các buổi tập.
Cựu tiền đạo tuyển Anh viết: “Nhịp độ ở Madrid chậm rãi hơn bất kì đâu mà tôi tới. Phải nói rằng những buổi tập luyện cực kì thoải mái. Khi bạn có vài anh chàng người Brazil trong đội hình, bầu không khí sẽ trở nên vui vẻ sôi động. Có rất nhiều tên tuổi lớn, và HLV sẽ chẳng quở mắng ai cả. Ông ấy sẽ cho tập cầm bóng hay đấu tập 5 đấu 5. Trên giấy tờ, sẽ luôn có những quy định. Nhưng nếu Roberto Carlos bỗng chốc nổi hứng đá tiền đạo hay Ronaldo muốn đá hậu vệ phải vì lỡ nhậu nhẹt say xỉn thì cũng chẳng ai cấm cả. Một khung cảnh thật nực cười. Ở Madrid, quyền lực của HLV thấp hơn nhiều so với những nơi khác”.
Owen nói về Zidane: “Anh ta là kiểu người kiệm lời. Khi ở trong phòng thay đồ, vài người thì im lặng, vài người thì nói chuyện qua điện thoại. Anh ta chỉ ngồi đó, lắng nghe và nghiền ngẫm. Về khoản đó, anh ta và Ryan Giggs rất giống nhau. Họ không nói gì nhiều, nhưng dường như chẳng thứ gì có thể lọt khỏi tai họ. Nếu lúc đó được hỏi rằng ‘cậu nghĩ liệu anh ta có theo nghiệp huấn luyện hay không?’ thì chắc tôi sẽ lắc đầu thôi. Ai ngờ đâu anh ta lại theo đuổi nó và thành công tới vậy”.
Karanka, cựu đồng đội của Zizou, kết luận: “Hồi đầu mùa, Zidane nhận rất nhiều chỉ trích và giờ hãy nhìn anh ta xem, lột xác hoàn toàn CLB. Đó chính là triết lý của Madrid, luôn khai thác những điều tốt nhất. Và anh ta thấm nhuần triết lý đó một cách trọn vẹn. Một điều nữa, anh ta không sợ bị sa thải”.
Kể ra dông dài tất cả những áp lực và vất vả ở Madrid để thấy: Zidane hiểu hết và bình thản băng qua những vấn đề ấy. Zidane là mẫu người mà buồn vui không lộ ra nét mặt. Và có lẽ hơn ai hết, ông cũng hiểu mình luôn cách án sa thải chỉ vài trận đấu. Ở một nơi mà chỉ cần không thắng hai trận liên tiếp, người ta đã dùng từ “khủng hoảng mini” trên mặt báo, Zidane thừa hiểu, lo lắng không làm tình hình khá hơn.
Real chuẩn bị đầu với Man City ở vòng hai Champions League. Một Man City sẽ dốc hết khả năng bình sinh để đá vì hai mùa sau bị cấm dự Champions League. Một Man City sẽ đấu vì sự tồn vong không chỉ của một tập thể, mà còn là của một lý tưởng, một đại kế hoạch. Chen giữa hai trận lượt đi và về là trận El Clasico với Barcelona. Kém Barca hai điểm, có thể nói đây gần như là một trận chung kết của La Liga.
Áp lực ngàn cân càng tăng lên khi Real để thua Getafe trong trận đấu chạy đà. Đã vậy hai cầu thủ sáng tạo Eden Hazard và Gareth Bale chấn thương, trong khi Karim Benzema tiếp tục tịt ngòi. Nhưng trong giai đoạn mà Zidane giành ba Champions League liên tiếp, bao giờ ông cũng gần ở án sa thải hơn là trở thành một huyền thoại. Lần trở lại này, Zidane cũng đã chuẩn bị cho ông tâm thế tương tự.
Guardiola chuẩn bị bước vào một trận mang ý nghĩa sinh tử đến sự nghiệp của ông tại Man City. Còn Zidane, ông đơn giản là đã sống trong cái cảm giác ngàn cân treo sợi tóc này hàng tuần rồi. Và các Madridista, luôn dõi theo huyền thoại của họ như thể đấy luôn là một trong những trận đấu chót của ông trên ghế huấn luyện.
Hoài Thương tổng hợp – Vnexpress