Ngày 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia họp bàn giải pháp ứng phó những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế.
Ông khẳng định, Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép: quan trọng nhất là không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân và hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao, GDP tăng ở mức 6,8%.
“Chưa có cơ sở điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh, và đề nghị các thành viên hội đồng hiến kế, đưa ra giải pháp phù hợp để tránh kinh tế suy giảm bởi dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng cũng thống nhất tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bởi “nếu phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra”.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu hai kịch bản về tăng trưởng trong bối cảnh dịch viêm phổi bùng phát. Ở kịch bản 1, nếu dịch khống chế được trong quý I mức tăng GDP năm nay ở 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra. Trong đó, GDP quý I tăng 4,25%, quý II là 6,08%, quý III 6,92% và quý IV 6,81%.
Kịch bản 2, GDP năm 2020 dự báo chỉ đạt 5,96% nếu dịch được khống chế trong quý II. Mức tăng này khá thấp và giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% năm nay. Ở kịch bản này, tăng trưởng quý I tăng 4,52%, quý II 5,1%, quý III là 6,7% và quý IV 6,81%.
Góp ý sau đó, nhiều thành viên hội đồng cho rằng, lúc này Chính phủ cần có giải pháp chống trì trệ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Một số đề cập đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế, phí.
Ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch Covid-19 nên Việt Nam cũng cần đưa ra thông tin chuẩn xác. Ông Hưng nói, Ngân hàng Nhà nước không “nôn nóng trong điều hành tiền tệ, cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát”. “Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Một trong số giải pháp tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, là đề nghị các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch… đến cuối tháng 3, cho đến khi cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn.
Thủ tướng hôm nay giao Ngân hàng Nhà nước tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo gửi Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tới đây. Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao hoàn thiện dự thảo chỉ thị các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế, xã hội do dịch bệnh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm quốc gia, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Anh Minh – Vnexpress