Việc nạo vét bắt đầu từ ngày 26/2, chia thành 3 đợt và mỗi đợt kéo dài khoảng 75 ngày. Phạm vi nạo vét suốt toàn tuyến kênh, bắt đầu từ đường Út Tịch (Tân Bình) kéo dài đến ngã ba sông Sài Gòn (quận 1). Với độ sâu nạo vét từ 0,9 đến 1,1 m, dự kiến có khoảng 122.000 m3 bùn được hút lên sau đó đem đến xử lý ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Trả lời VnExpress chiều 25/2, ông Phạm Ngọc Dũng (Giám đốc Trung tâm quản lý đường thủy – Sở Giao thông Vận tải TP HCM) cho biết, chất thải từ các cống, tích tụ bùn đất ở lòng kênh sau thời gian bồi lắng đã gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Hiện máy móc phục vụ nạo vét được tập kết ở điểm nạo vét đầu tiên gần cầu Lê Văn Sỹ.
“Chúng tôi sẽ không đưa bùn lên bờ mà sử dụng chế phẩm sinh học EM để ngăn mùi hôi, giảm tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong quá trình thi công”, ông Dũng nói.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mỗi ngày thải ra hơn 14 tấn rác chủ yếu là rác sinh hoạt như vỏ chai nhựa, túi nylon, xác động vật, còn lại là cỏ và lục bình. Do đó nhiều năm gần đây tuyến kênh luôn xảy tình trạng ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt.
Chính quyền thành phố từng có nhiều giải pháp như khơi thông dòng chảy, lắp máy quạt tạo oxy, quan trắc giám sát chất lượng nước, vớt rác thải, lục bình… để cải thiện môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm của tuyến kênh.