Người Iran hoang mang giữa khủng hoảng y tế

Parviz Sadeghi mới 49 tuổi nhưng trông như 70 bởi đôi mắt nhiều nếp nhăn và hai má trũng sâu do thiếu thuốc để điều trị tiểu đường. 

Sau 6 tiếng chờ đợi, Sadeghi kiệt sức bước ra từ một hiệu thuốc ở thủ đô Tehran với insulin trong tay, thứ ngày càng trở nên khan hiếm do lệnh cấm vận của Mỹ.

“Tôi bị tiểu đường gần 10 năm rồi”, nam lao động đang thất nghiệp nói, thêm rằng ông sống ở Karaj, cách Tehran khoảng một giờ lái xe. “Trước đây, bạn có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào và họ sẽ bán cho bạn, còn bây giờ bạn phải đi 1.000 hiệu thuốc mới mua được”, Sadeghi than thở sau một tuần đi hết nơi này đến nơi khác. 

Người dân xếp hàng mua thuốc tại nhà thuốc 13 Aban ở Tehran hôm 19/2. Ảnh: AFP
Người dân xếp hàng mua thuốc tại nhà thuốc 13 Aban ở Tehran hôm 19/2. Ảnh: AFP

Người Iran đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men thậm chí trước cả khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố miền trung Qom, đến nay đã khiến 61 người nhiễm nCoV, trong đó 12 người đã tử vong, và dẫn tới sự hoảng loạn do thiếu khẩu trang. 

Tình trạng thiếu vật tư y tế diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt lệnh cấm vận với Iran vào năm 2018. Washington miễn trừng phạt đối với hàng hóa nhân đạo, đặc biệt là thuốc men và vật tư y tế, nhưng các ngân hàng không dám thực hiện những giao dịch mua bán quốc tế với Iran do lo sợ vi phạm lệnh cấm vận. Điều này khiến thuốc men ở Iran càng trở nên khan hiếm và đẩy giá cả leo thang. 

“Tôi mua insulin từ khoảng 3 năm trước với giá 17.000 toman (hơn một USD), còn bây giờ nó có giá lên tới 50.500 toman”, Sadeghi cho hay. “Mọi thứ đang ngày càng đắt đỏ hơn. Bảo hiểm chi trả khoản này. Đó là lý do tôi đã tới cả nghìn hiệu thuốc suốt từ thứ 7 tuần trước để mua chúng. Họ cuối cùng cũng chấp nhận nhưng mất rất nhiều thời gian và bạn phải đi rất nhiều nơi”.

Vào những lúc không tìm ra thuốc, Sadeghi phải “mượn tạm” insulin từ các bệnh nhân khác để sống sót. Ông vật lộn tìm mua kim tiêm và ống tiêm ở các hiệu thuốc.

“Gần đây, họ bắt đầu buộc chúng tôi phải trả cả tiền kim tiêm”, Sadeghi nói.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết nước này “hiện đủ khả năng sản xuất hơn 97% lượng thuốc cần thiết”.

“Chúng tôi chỉ nhập khẩu 3% số thuốc đang dùng, những loại rõ ràng là mới và công nghệ cao, được sử dụng với liều lượng hạn chế và việc sản xuất trong nước là không khả thi”, ông nói. Tuy nhiên, Jahanpour thừa nhận rằng một năm nay, Iran phải chật vật nhập khẩu “thuốc trị các bệnh hiếm và đặc biệt”. 

Nằm ở trung tâm Tehran, hiệu thuốc 13 Aban thu hút rất nhiều bệnh nhân kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ để mua thuốc cho các bệnh hiếm gặp. 13 Aban và các nhà thuốc khác ở Tehran hợp tác với một công ty bảo hiểm do chính phủ điều hành.

Mohammad Aminian, 73 tuổi, cần insulin cho người vợ bị tiểu đường. Ông cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến ông gặp khó khăn khi đi mua thuốc.

“Chính phủ đang cố gắng để mọi thứ hoạt động, dù họ cũng gặp những vấn đề riêng”, ông nói. “Chúng tôi sẽ vui nếu họ đàm phán với Mỹ”.

Trong khi đó, Sadeghi lại đổ lỗi cho chính phủ Iran. “Họ không có khả năng quản lý mọi thứ. Một số người không có bảo hiểm, họ phải mua với mức giá trên trời. Họ phải chọn giữa trả tiền hoặc chết”, ông nói.

Ngoài tiểu đường, các bệnh nhân ung thư và thiếu máu tán huyết di truyền là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu thuốc. Shahrzad Shahbani, chủ một hiệu thuốc ở Tehran, chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng khác là thiếu thuốc cho người mắc bệnh về tâm thần.

“Một bệnh nhân được kê đơn 200 viên thuốc chỉ có thể mua 100 hoặc thậm chí 20 viên và tình trạng này ngàng càng phổ biến”, cô nói.

Mohammed, một cựu binh ngoài 50 tuổi, bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Ông dùng một loại thuốc được sản xuất tại địa phương, nhưng thi thoảng dạ dày bị đau và nóng rát. 

Chủ hiệu thuốc Shahbani đồng tình với ý kiến của Mohammed, cho hay chất lượng thuốc do mỗi công ty sản xuất một khác. Theo cô, nhiều người bị bệnh Parkinson thi thoảng còn phải nhập lậu thuốc ngoại qua đường Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy Sĩ đã lập ra một kênh tài chính mới để hỗ trợ thương mại nhân đạo với Iran nhưng không tạo ra mấy khác biệt. Trong khi đó, một số hiệu thuốc tiếp tục hét giá chợ đen cho những người dân Iran vốn đã chật vật do suy thoái và giá trị đồng nội tệ lao dốc. 

 Anh Ngọc (Theo AFP) – Vnexpress