Những biện pháp mạnh để chống dịch ở Việt Nam

Cách ly hàng nghìn người dân trở về từ vùng dịch, thiết lập 4 vòng kiểm soát xã Sơn Lôi… là những biện pháp đã triển khai để ngăn virus corona lây lan.

Sáng 21/2, tại hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về các biện pháp Việt Nam đã triển khai để chống covid-19 thời gian qua. 

“Ngay từ đầu, thay vì ra văn bản định hướng chung, các cấp có thẩm quyền đã nhanh chóng chỉ đạo cụ thể, coi đây là nhiệm vụ chính trị, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia”, ông nói.

Nhiều biện pháp lần đầu tiên được Việt Nam triển khai để phòng, chống dịch, như: Kiểm soát việc nhập cảnh của người nước ngoài đến từ hoặc đi qua vùng dịch theo quy định; các hãng hàng không dừng chuyến bay đến 31 tỉnh của Trung Quốc; 3.000 chiến sĩ biên phòng đóng tất cả đường mòn, lối mở dọc biên giới; bắt buộc cách ly 14 ngày với tất cả công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch…

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Thuỳ
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Thuỳ

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, so với dịch SARS 2003 thì các biện pháp lần này ở mức độ mạnh hơn rất nhiều. Đơn cử với việc cách ly tập trung, trước đây Việt Nam chỉ cách ly được một chuyến bay trong ít ngày, hiện nay hàng nghìn người được cách ly tại doanh trại quân đội trong gần nửa tháng. Ngoài ra, lần này biện pháp kiểm soát nhập cảnh được thực hiện rất nghiêm ngặt.

“Đến nay Việt Nam vẫn giữ nguyên các biện pháp này. Khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tiến triển tốt hơn thì chúng ta có thể nới lỏng, nhưng sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định”, ông Long nói. 

Ông cũng khẳng định, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng chống dịch, từ cơ sở cách ly, phương án xét nghiệm, phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV. Các cơ sở đã chuẩn bị đủ khả năng cách ly cho khoảng 30.000 người; đủ giường nằm điều trị y tế cho bệnh nhân. Việt Nam cũng phân tuyến điều trị tới tuyến huyện với 700 huyện, 1.300 bệnh viện trên toàn quốc.

“Quan điểm của chúng tôi là không xây dựng bệnh viện dã chiến theo kiểu Trung Quốc mà chỉ trưng dụng cơ sở có sẵn”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất, giải pháp cách ly được áp dụng chặt chẽ, cương quyết. Theo ông Long, 4 vòng kiểm soát đã được thiết lập.

Đầu tiên, tất cả người nhà của bệnh nhân cách ly tại bệnh viện ở mức cao nhất. Người tiếp xúc gần (140 người) cách ly tại cơ sở tập trung. Những người gián tiếp (tiếp xúc với những người tiếp xúc) thì không được ra khỏi nhà. Lực lượng dân phòng, cơ quan y tế giám sát, kiểm tra sức khỏe hàng ngày. Và biện pháp cuối cùng là cách ly hạn chế với toàn xã.

Người Việt từ vùng dịch trở về được cách ly, kiểm tra sức khoẻ hàng ngày ở doanh trại quân đội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Giang Huy
Người Việt từ vùng dịch trở về được cách ly, kiểm tra sức khoẻ hàng ngày ở doanh trại quân đội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Giang Huy

“Cả xã hơn 10.000 dân, chúng ta cách ly từng vòng để đảm bảo không lây ra cộng đồng. Tại nhà có bệnh nhân, cơ quan y tế trực tiếp tiêu độc, khử trùng, sát khuẩn tất cả bề mặt và niêm phong, sau 14 ngày mới mở. Những bệnh nhân chữa khỏi ở bệnh viện vẫn chưa được trở về nhà ngay, vì về nhà vẫn có thể lây nhiễm”, ông Long cho hay.

Ngoài ra, các địa phương trên toàn quốc đã cho học sinh nghỉ học để tránh rủi ro. Giải pháp này được Thứ trưởng Y tế đánh giá là “hơi mạnh quá”.

“Cơ quan y tế cho rằng những địa phương không có dịch thì phải có biện pháp an dân, để người dân yên tâm cho con em đi học. Còn những vùng nào có dịch, tiếp tục nghỉ đến khi hết dịch”, ông Long nêu ý kiến.