Giờ Xia đang tìm việc bán thời gian, sau khi công ty từ chối trả anh nửa tháng lương trong lúc nghỉ. Xia chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc.
“Tôi hiểu công ty đang trong giai đoạn thiếu tiền”, Xia cho biết, “Chúng tôi đã phải hoãn vài buổi quay vì dịch bệnh bùng phát. Việc này ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Đó là sự thật”.
Xia chỉ là một trong rất nhiều người mất việc vì đại dịch. Covid-19 đã khiến 2.000 người thiệt mạng và hơn 72.000 người nhiễm bệnh. Các lệnh phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung sản phẩm.
Nhiều công ty nhỏ như công ty của Xia thiếu tiền vì không có đơn hàng. Việc này buộc họ phải cho nhân viên nghỉ bớt hoặc giảm lương để tồn tại. Đến nay, dịch bệnh còn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ là thách thức lớn với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế này tăng trưởng chậm nhất gần 3 thập kỷ.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh cho thấy chỉ 34% trong gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết có thể tồn tại một tháng với dòng tiền hiện tại. Một phần ba nói có thể tồn tại trong 2 tháng. Chỉ 18% có thể kéo dài đến 3 tháng.
“Làn sóng sa thải có thể diễn ra”, Wang Jun – nhà kinh tế học tại Ngân hàng Zhongyuan cảnh báo, “Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của Covid-19 có thể ví với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thay vì SARS”.
Trong khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, khoảng 20 triệu lao động Trung Quốc mất việc khi xuất khẩu lao dốc. Việc này đã khiến Bắc Kinh tung ra chính sách kích thích khổng lồ, giúp tăng trưởng tăng tốc nhanh chóng, nhưng lại đẩy nền kinh tế vào vũng lầy nợ nần nhiều năm qua.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc cam kết ngăn chặn sa thải quy mô lớn. Nước này đã yêu cầu các chính quyền địa phương hỗ trợ bình ổn việc làm bằng cách chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ tương tự.
Các công ty trong ngành dịch vụ tại Trung Quốc, từ nhà hàng đến khách sạn, quán ăn, rạp phim và công ty du lịch, đã gánh thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh. Các hãng sản xuất nhỏ cũng gần như không có lợi nhuận.
“Thất nghiệp có thể chấp nhận được trong quý I. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không được kiềm chế vào cuối tháng 3, từ quý II, làn sóng sa thải sẽ xảy ra”, Dan Wang – nhà phân tích tại EIU cho biết. Bà dự báo khoảng 4,5 triệu người sẽ thất nghiệp. Trong đó, 80% thuộc về các công ty tư nhân.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng rồi. Số liệu chính thức tháng 12/2019 là 5,2%, tăng so với 4,9% tháng 4/2018 – khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang nhen nhóm. Thất nghiệp tăng cao có thể tác động đến thu nhập và tiêu dùng, kéo tụt khả năng hồi phục của nền kinh tế này.
Hà Thu (theo Reuters) – Vnexpress