Trung Quốc nguy cơ khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh

EIU cho rằng Covid-19 là cú sốc với tăng trưởng vốn đang giảm tốc của Trung Quốc và đến tháng 4, thiệt hại kinh tế sẽ trở nên rõ ràng.

Trong một bài phát biểu công bố gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Hiện tại, chúng ta vẫn phải đạt các mục tiêu kinh tế – xã hội năm nay”. Năm ngoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần 3 thập kỷ. Còn năm nay, nền kinh tế lớn nhì thế giới chịu thêm thiệt hại từ dịch Covid-19, khiến các nhà máy đóng cửa và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Covid-19 là cú sốc với tăng trưởng của Trung Quốc vốn đã giảm tốc vài năm gần đây. Hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng nếu dịch bệnh không giảm bớt, chính phủ Trung Quốc có thể phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng kinh tế”. Trong báo cáo công bố cuối tuần trước, EIU cho biết sự giận dữ của công chúng “có thể leo thang nghiêm trọng” nếu dịch bệnh không được kiểm soát trước tháng 4.

Đến thời điểm đó, thiệt hại kinh tế từ các chính sách phong tỏa của Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng. “Khi đó, chính phủ sẽ khó đổ lỗi cho các chính quyền địa phương, vì họ đã chỉ đạo việc giải quyết hơn 2 tháng rồi”, EIU cho biết.

Apple Store tại Thượng Hải vắng vẻ trong mùa dịch. Ảnh: Bloomberg
Apple Store tại Thượng Hải vắng vẻ trong mùa dịch. Ảnh: Bloomberg

Đầu tháng này, hơn nửa số tỉnh thành Trung Quốc đã phải tăng thời gian phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh. Năm ngoái, các khu vực này đóng góp tới hơn 80% GDP và 90% hàng xuất khẩu cho Trung Quốc. Sự gián đoạn tại công xưởng của thế giới đã tác động mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, dù Trung Quốc đã nỗ lực bình thường hóa, nhà máy bắt đầu mở cửa trở lại và công nhân cũng quay về làm việc, tiến độ lại rất chậm chạp. Các công nhân vẫn cần phải cách ly, khiến nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

“Nhiều công ty nhỏ hơn than thở rằng không thể tồn tại sang quý II trong tình hình này”, EIU cho biết, “Bên cạnh cuộc khủng hoảng y tế, giới chức còn phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, khi thu nhập và việc làm giảm sút”.

Larry Huawei – nhà kinh tế học tại Macquarie hôm thứ hai cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng 6% năm nay. “Với tình hình Covid-19 hiện tại, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu giới chức không điều chỉnh giảm mục tiêu. Có thể họ tin rằng lần phục hồi này sẽ mạnh hơn đợt phục hồi sau SARS. Dù gì, với bài phát biểu của ông Tập, giới chức Trung Quốc chắc sẽ vẫn giữ mục tiêu ban đầu”.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay. Năm 2019, GDP nước này tăng 6,1%, thấp hơn so với 6,6% năm trước đó.

Thậm chí, từ trước khi có dịch bệnh, họ đã hạ dự báo của Trung Quốc xuống dưới 6%. Hiện tại, nhiều người còn hạ tốc độ này xuống 4,9 – 5,6%.

Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết đầu tháng này, ông Tập còn cảnh báo các quan chức hàng đầu Trung Quốc rằng các nỗ lực kiềm chế dịch bệnh đã đi quá xa và đang gây thiệt hại cho nền kinh tế. Vài tuần qua, Trung Quốc đã phải tung nhiều biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng. Trong đó có bơm tiền cho các ngân hàng để tăng cho vay, xóa bớt nợ xấu và hạ lãi suất.

“Ở giai đoạn này, các lựa chọn chính sách khả thi nhất là hạ lãi suất và nới lỏng chính sách đối với các công ty và khu vực chịu ảnh hưởng”, Hu kết luận.

 Hà Thu (theo CNBC) – Vnexpress