Sắp có ‘sự kiện phi thường trong đời’: nhìn thấy sao sáng giữa ban ngày?

Gần đây cộng đồng khoa học và giới yêu thích thiên văn chứng kiến một hiện tượng lạ trong thiên văn học: ngôi sao siêu kềnh đỏ nhìn được bằng mắt thường Betelgeuse đang liên tục giảm cường độ sáng.
Sắp có sự kiện phi thường trong đời: nhìn thấy sao sáng giữa ban ngày? - Ảnh 1.
Ví trí của Betelgeuse ở đầu mũi tên trong chòm sao Thợ Săn (Orion) – Ảnh: Wikipedia

Hiện nay độ sáng của Betelgeuse đã giảm hơn 3,3 lần so với độ sáng bình thường của nó, và hiện nó đã bị đánh bật khỏi danh sách top 10 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, thậm chí ra khỏi top 20.

Một trong những người ghi nhận sự sụt giảm cường độ sáng này là nhà thiên văn học người Mỹ Edward Guinan – người đã từng sang giảng dạy thiên văn tại một lớp học do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2007 – và nhà thiên văn nghiệp dư Thomas Calderwood.

Bản thân Betelgeuse là một ngôi sao biến quang với chu kỳ bán tuần hoàn, tức là độ sáng của nó thay đổi tuần hoàn nhưng đôi lúc bị ngắt quãng bởi những thay đổi bất thường. Sự suy giảm hiện nay trùng với cả chu kỳ thông thường 425 ngày và chu kỳ bất thường 5,9 năm của ngôi sao. 

Tuy nhiên, điều đặc biệt là lần này độ sáng của nó sụt giảm quá lớn, nhỏ hơn 2 lần độ sáng của những lần sụt giảm thông thường. Việc thay đổi độ sáng lớn như vậy của một ngôi sao trong một khoảng thời gian ngắn là một sự kiện rất hiếm trong thiên văn. Sự kiện này khiến nhiều đài thiên văn trên thế giới bắt đầu những chương trình quan sát một cách kỹ càng theo dõi sự tiến triển của ngôi sao.

Sắp có sự kiện phi thường trong đời: nhìn thấy sao sáng giữa ban ngày? - Ảnh 2.
Độ sáng của Betelgeuse theo thời gian (từ 1-1-2000 đến 13-2-2020)

Betelgeuse nằm trên vai anh chàng thợ săn nổi tiếng, rất dễ nhận thấy trên bầu trời. Là một ngôi sao kềnh đỏ có khối lượng khoảng 11,6 lần khối lượng Mặt trời, mặc dù chưa nhiều tuổi (mới khoảng 8 triệu năm, Mặt trời 5 tỉ năm) nhưng vì quá nặng nên nó đã “lão hóa” rất nhanh. 

Tính toán dự đoán rằng ngôi sao này sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong khoảng 100.000 năm tới bằng một vụ nổ siêu sao (bùng sáng rồi vụt tắt) để lại cái xác là một ngôi sao neutron. Tuy nhiên, với biểu hiện như đang “hấp hối” hiện nay, nhiều người cho rằng ngôi sao có thể sẽ chết nhanh hơn so với dự đoán. 

Tuy vậy các nhà thiên văn lại cho rằng điều đó khó xảy ra, có thể sự suy giảm cường độ sáng này chỉ do một đám mây bụi hình thành trước ngôi sao trên hướng quan sát. Nhưng nếu nó thật sự bùng nổ, chúng ta sẽ được chứng kiến một sự kiện phi thường trong đời: bạn sẽ nhìn thấy sao sáng giữa ban ngày. 

Sự bùng nổ siêu sao trong dải Ngân hà, nơi cư trú hệ Mặt trời của chúng ta, là sự kiện rất hiếm, chỉ có một vài sự kiện như vậy được ghi nhận. Sự kiện đầu tiên được ghi nhận là năm 185 sau Công nguyên với khi siêu sao SN 185 bùng nổ, và nổi tiếng nhất là SN 1054 được các nhà thiên văn Trung Hoa thời đó ghi nhận.

Đây là một sự kiện lý thú có thể quan sát ở nhiều bước sóng, trong đó có dải bước sóng nhìn thấy. Các nhà thiên văn nghiệp dư cũng có thể tham gia thực hiện các quan sát và ghi nhận sự kiện kỳ thú này.

Theo PHẠM NGỌC ĐIỆP (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) – Tuổi Trẻ