Theo thống kê, 1/4 số tàu đánh bắt cá ở Ấn Độ Dương hiện nay đang hoạt động bất hợp pháp. Trên thế giới, đánh bắt cá trái phép hằng năm làm tiêu tốn đến 17,6 triệu USD.
Địa bàn rộng nhưng lực lượng tuần tra mỏng, trong khi các biện pháp quản lý hiện đại như dùng vệ tinh theo dõi lại khá đắt đỏ là những nguyên nhân chính khiến nạn đánh bắt cá trái phép vẫn phổ biến.
Mới đây, TS Henri Weimerskirch từ Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp thử nghiệm ý tưởng táo bạo khi muốn biến những chú hải âu thành “điệp viên” theo dõi các tàu cá vi phạm.
Theo trang New Scientist, 169 con hải âu đã được tuyển chọn vào đội “đặc nhiệm” với lợi thế có thể bay hằng trăm cây số một ngày. Bầy hải âu được huấn luyện để tuần tra quanh khu vực Ấn Độ Dương hằng ngày.
Nhóm nghiên cứu trang bị cho hải âu nhiều loại cảm biến, nặng khoảng 65g, có thể phát tín hiệu radar giúp xác định xem các tàu cá đang bật hay tắt thiết bị định vị của mình (định vị tắt là một trong những dấu hiệu tàu đánh bắt trái phép).
Từ đó, các chuyên gia sẽ ghi nhận vị trí của các tàu này và tiến hành kiểm chứng. Phạm vi dò tìm của cảm biến lên đến 30km.
Từ tháng 12-2018 đến tháng 6-2019, đội chim hải âu của nhóm nghiên cứu đã bắt gặp 26% trong số 353 tàu đã tắt định vị. Ở vùng biển quốc tế, đội chim ghi nhận 36,9% số tàu đã tắt định vị.
Theo TS Henri Weimerskirch, đội hải âu sẽ là phương pháp mới, rẻ tiền nhưng hỗ trợ hiệu quả cho các hình thức theo dõi tàu cá hiện tại, hoặc có thể dùng kết hợp với nhiều phương thức khác trợ giúp cho lực lượng chuyên trách kiểm soát các vùng biển rộng lớn.
“Cho đến nay, chúng tôi đã ghi nhận những thành công khi dùng phương pháp này” – TS Henri Weimerskirch nói.
Theo HOÀNG THI – Tuổi Trẻ