So với Mi 9 năm ngoái, Mi 10 đánh dấu một thay đổi về mặt chiến lược: Xiaomi không còn ra mắt flagship vào cùng một ngày với Samsung nữa. Nếu như Galaxy S10 và Mi 9 từng cùng được vén màn cùng ngày 20/2/2019 thì năm nay 2 chiếc đầu bảng Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ cách nhau gần 2 ngày: Galaxy S20 ra mắt tại San Francisco vào sáng ngày 11/2 giờ địa phương (đêm 12/2 tại Trung Quốc), Mi 10 ra mắt ngày 13/2. Khoảng cách này là vừa đủ để cơn bão truyền thông xoay quanh S20 lắng xuống và Mi 10 bắt đầu nổi lên.
Năm ngoái, quyết định ra mắt Mi 9 cùng ngày với S10 có thể coi là một lời thách đấu trực tiếp từ Xiaomi tới Samsung. Là 2 mẫu Android đầu bảng, lại xuất hiện cách nhau chỉ vài giờ, Galaxy S10 không thể bị tránh so sánh với Mi 9, làm bật lên sự tương đồng về cấu hình và sự khác biệt về mức giá. Do Xiaomi đã luôn định vị là một hãng phá giá cấu hình, phép so sánh này có thể được coi là có lợi cho Xiaomi.
Tại sao năm nay sự thách thức này không được lặp lại?
Lý do rất đơn giản: khi thách đấu trực tiếp, Mi 9 đã thua cuộc. Theo tuyên bố của Xiaomi, lượng Mi 9 và Mi 9 SE xuất xưởng trong tháng đầu tiên chỉ đạt 1,5 triệu chiếc. Ở phía ngược lại, số liệu Counterpoint cho biết series Galaxy S10 đạt 16 triệu máy trong 3 tháng đầu. Tuy khoảng thời gian thống kê lệch nhau nhưng doanh số smartphone thường suy giảm theo thời gian, và vì vậy series Mi 9 có lẽ đã xuất xưởng ít hơn 4,5 triệu máy trong 3 tháng. Nói cách khác, dù có cấu hình tương đương và giá bán rẻ hơn, Mi 9 bán kém hơn Galaxy S10 tới 4 lần.
Chính kết quả này đã khiến Xiaomi phải cân nhắc lại định vị thương hiệu dành cho dòng Mi đầu bảng. Tuy tương đương về cấu hình, Galaxy S10 vẫn áp đảo trên nhiều khía cạnh. Về thiết kế, Galaxy S10 sử dụng ngôn ngữ của riêng Samsung trong khi Mi 9 vẫn mang thiết kế giống Mi 8 (tức là “học” từ iPhone). Dòng đầu bảng của Samsung được trau chuốt về chất lượng camera với điểm DxO đứng đầu bảng xếp hạng khi ra mắt. Quan trọng nhất, OneUI là trải nghiệm phần mềm tốt hàng đầu thế giới Android trong khi MIUI vẫn mang âm hưởng quá nặng nề từ iOS.
Tức là, Galaxy S10 được định vị là các mẫu smartphone cao cấp thực thụ, còn Mi 9 có vẻ thu hút người dùng tầm trung đam mê cấu hình hơn. Ra mắt cùng ngày đã không thể giúp Mi 9 có được kết quả tốt đẹp trước Galaxy S10, thậm chí lại còn khiến Mi 9 bị mất đi phần nào ánh hào quang truyền thông.
Năm nay, Samsung và Xiaomi lại vẫn đang tiếp tục chiến lược sản phẩm quen thuộc: Galaxy S20 hứa hẹn trải nghiệm hoàn thiện xứng tầm cao cấp còn Mi 10 vẫn phá giá cấu hình. Thậm chí, một trong những yếu tố chạy đua của Xiaomi lại đến từ chính… Samsung khi cảm biến camera trên Mi 10 là do Samsung thiết kế và sản xuất. Thất bại khi thách thức là quá rõ ràng, Xiaomi bởi thế đã chọn con đường thông minh hơn: rời ngày ra mắt Mi 10 ra sau Galaxy S20.
Theo Trí Thức Trẻ