Thời sự, Tin tứcLễ tạ ơn ‘Thần Nước, Thần Rừng’ của người Hà Nhì Đã đăng trên 11/02/2020 bởi Star.vn Vào ngày thìn đầu tiên của tháng giêng, người Hà Nhì ở thôn Lao Chải 1, xã Y Tý tổ chức lễ tạ ơn Thần Nước và Thần Rừng.Xã Y Tý (huyện Bát Xát) nằm ở độ cao 1.500 m, cách TP Lào Cai 70 km đường đèo, là nơi tập trung sinh sống lâu đời của người Hà Nhì. Theo người dân, thời xưa khi chọn nơi định cư, có hai yếu tố quan trọng là nguồn nước và khu rừng, vì thế vào ngày thìn đầu tiên của tháng giêng hàng năm, những hộ dân trong các thôn bản thường tổ chức lễ tạ ơn Thần Nước và Thần Rừng đã ban cho họ cuộc sống no ấm, đủ đầy. Đây cũng là một trong hai nghi lễ lớn nhất trong năm của người Hà Nhì, sau lễ Cầu mùa (lễ Khô Già Già).Theo quan niệm, lễ cúng tránh tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán. Ngày thìn đầu tiên của tháng giêng năm nay trùng ngày mùng 2 Tết nên được dời sang ngày 14 tháng giêng (tức 7/2). Từ sáng sớm, người dân thôn Lao Chải 1 cùng vệ sinh bến nước, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả thôn. Nghi lễ tạ ơn Thần Nước thể hiện sự tri ân của dân làng với nguồn nước, đồng thời cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.Những lễ vật dâng hiến Thần Nước là thịt lợn, thịt gà, chè gừng, rau và rượu được thầy cúng kính cẩn đặt lên bàn thờ đá.Thầy cúng là người đại diện cho dân làng để giao tiếp với thần linh nên được xem là người có quyền lực nhất làng. Buổi lễ do hai thầy cúng chủ trì, kéo dài khoảng 20 phút. Thầy cúng chính trong vai nam giới, còn thầy cúng phụ trong vai nữ giới giúp việc nhà. Người được dân làng chọn ra làm thầy cúng hàng năm phải khỏe mạnh, không có tang trong 3 năm.Thầy cúng phụ Ly Thó Tra (29 tuổi) chia lộc cho đại diện các gia đình ở thôn sau buổi lễ. Chiều cùng ngày, người dân thôn Lao Chải 1 tiếp tục làm lễ cúng Thần Rừng trong khu rừng cấm. Rừng của người Hà Nhì nằm ở vị trí cao nhất thôn, được xem là nơi ở của thần linh nên mỗi người dân trong cộng đồng đều phải có ý thức bảo vệ rừng. Mọi quy trình nghi lễ diễn ra trong rừng, người dân phải mang lễ vật và các vật dụng thực hiện như nước, củi nhóm lửa từ bên ngoài. Tuyệt đối không được khai thác rừng hay làm điều thiếu trong sạch tại đây.Rừng được coi là chốn linh thiêng nên có những kiêng kỵ nhất định như không được đi dép vào rừng; không được nói bất kỳ ngôn ngữ khác ngoài tiếng Hà Nhì và phụ nữ không được tham gia nghi lễ này.Cũng như những hộ dân trong thôn, vào ngày lễ tạ ơn Thần Nước, Thần Rừng, anh Chu Che Xá (30 tuổi) phải làm lễ cúng gia tiên để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình. Nghi lễ này thường diễn ra trước lễ tạ ơn.Khi cánh đàn ông trong thôn tham gia các lễ cúng thì những phụ nữ tất bật làm bánh giày, món bánh truyền thống trong ngày Tết của người Hà Nhì. Bánh giày được làm từ gạo, giã nhuyễn phủ bên ngoài là vừng và thường được nướng lên trước khi ăn.Một ngày sau lễ tạ ơn Thần Nước, Thần Rừng, mỗi gia đình người Hà Nhì sẽ làm cỗ để tạ ơn hai thầy cúng (còn gọi là lễ Dư Giò Giò). Anh Chu Che Xá được vợ đội mâm cỗ lên đầu, chuẩn bị đến nhà thầy cúng.Mâm cỗ gồm các món khô, thịt, rau củ quả, xôi, bánh giày và rượu. Đối với những người mới lập gia đình, lần đầu tham gia các nghi lễ ở thôn bản, trên mâm sẽ có thêm con gà. Gà trên mâm mang ý nghĩa tạ ơn thầy cúng cùng các vị thần, vừa cầu mong năm mới khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc.Khi các nghi lễ kết thúc, mọi người trong thôn cùng nhau ăn uống, chúc nhau một năm mới ấm no hạnh phúc, mùa màng thuận lợi. Thanh Huế – Vnexpress Star.vn Bỏ tiền túi mua 10 tấn dưa hấu ‘giải cứu’ rồi phát miễn phí cho dânGiám đốc bệnh viện bị xem xét kiểm điểm