Sau khi ăn tối, 20h hàng ngày chị Chi yêu cầu con gái ngồi vào bàn học. Vì bé mới lớp 1, chị có thể tự kèm mà không cần thuê gia sư. “Thú thực tôi không yên tâm cho con học gia sư lúc này vì không biết sức khỏe của họ như thế nào, từng tiếp xúc với người mắc virus corona hay không”, người mẹ nói.
Chị cho con chơi thoải mái trong ngày vì “bố mẹ đi làm, con ở nhà với bà, chơi ngoan là tốt rồi”, đến tối hai mẹ con cùng học, tập trung hai môn Toán và tiếng Việt. Cảm thấy con học chậm tiếng Việt hơn và rút kinh nghiệm từ học kỳ I, chị Chi cho con đọc thật nhiều, luyện phát âm. Sau đó, chị giao bài, chủ yếu là dạng nối câu, tìm từ có vần hoặc điền từ vào chỗ trống. Để thay đổi, có hôm chị sẽ cho con luyện viết bằng cách để bé tự chép hoặc đọc cho bé viết chính tả.
Chị Chi còn mua thêm sách, truyện ngắn có hình bắt mắt và chữ to cho con đọc. Người mẹ cho rằng việc đọc nhiều sẽ tăng tốc độ, giúp con sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn hơn. Chị chưa đầu tư tiếng Anh vì muốn con thông thạo tiếng Việt trước, hè sẽ cho bé đi học thêm tiếng Anh sau.
Với môn Toán, chị Chi lấy bài trong sách bài tập cho con làm. “Đi thi cũng vào các dạng đề này nên cho con làm quen và luyện tập dần. Ngoài ra, một số dạng bài cô giao thêm tôi chọn bài tương tự”, chị Chi nói và cho biết không dạy trước chương trình, chỉ giao bài tập để con ôn luyện, nắm chắc kiến thức đã học.
Do đi làm cả ngày, chỉ kèm con vào buổi tối nên chị Chi đặt chỉ tiêu mỗi tối luyện một trang Toán, một trang tiếng Việt và đọc bài trong sách giáo khoa ba lần. “Con gái khá tự giác, đến 8h thường tự bỏ sách ra làm. Tôi kiểm tra, sửa lỗi sai nên việc học không nặng nề”, người mẹ tâm sự.
Nhận được thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học một tuần, ông Nguyễn Đình Tuyền (45 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bàn với vợ một trong hai người phải nghỉ làm để trông con. Công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, đầu năm nhàn rỗi, lãnh đạo khuyến khích nhân viên nghỉ phép sau Tết nên ông Tuyền nộp đơn xin nghỉ một tuần.
Con gái lớn học lớp 12 trường THPT Tam Hiệp, học lực trung bình nên ông Tuyền rất lo, bởi hơn 5 tháng nữa cháu phải thi THPT quốc gia. Hướng cho con thi tổ hợp Khoa học xã hội, ông Tuyên liên hệ với thầy cô bộ môn Sử, Địa nhờ gửi nội dung trọng tâm. Sáng học Sử, chiều học Địa, mỗi buổi ba tiếng, đợi con ôn xong thì ông bố dò lại bài.
“Thú thực kiến thức cấp ba bây giờ khó, khác xa ngày xưa nên tôi phải nhìn vào sách, chủ yếu kiểm tra các chủ điểm, số liệu buộc phải nhớ theo lời dặn của thầy cô”, ông nói. Mục đích của việc ôn tập ở nhà là tạo sự “khởi động” để con gái bước vào học kỳ II tốt hơn sau hơn hai tuần nghỉ Tết. Nếu thả cho con nghỉ ngơi, ông lo con trì trệ, không bắt nhịp được chúng bạn.
Khác với chị gái, bé thứ hai nhà ông Tuyền học lớp 7 trường Phổ thông thực hành Đại học Đồng Nai với lực học giỏi, rất chăm và tự lập. Trong kỳ nghỉ Tết, bé vừa chơi vừa học nên đã hoàn thành hết bài tập thầy cô giao, bài mới cũng soạn đầy đủ. Do đó, ông bố khuyến khích con gái đọc thêm sách khoa học, lịch sử, vừa thư giãn, vừa bổ sung kiến thức.
Vừa làm “gia sư”, ông Tuyền kiêm luôn công việc của “bảo mẫu”, hàng ngày đi chợ nấu cơm trưa, tối cho gia đình, lau dọn nhà cửa và giặt giũ. “Trước giờ việc kèm con học chủ yếu do bà xã lo, tôi ít khi ngó tới. Đây là dịp giúp tôi nhận ra phải quan tâm hơn tới việc học của con”, ông Tuyền nói và cho biết tối nay sẽ dẫn hai con đi nhà sách, mua thêm tài liệu và vật dụng học tập cần thiết.
Tại TP HCM, kỳ nghỉ Tết kéo dài 16 ngày, nay được nghỉ thêm một tuần nữa khiến nhiều phụ huynh sốt ruột, lo con xao nhãng học hành. Đều là viên chức, không ai được nghỉ phép dài ngày, chị Trần Thị Mai Hoa (39 tuổi, ở quận Thủ Đức) phải gửi hai con nhờ ông bà nội ở quận 12 trông. Con gái út 5 tuổi chỉ cần người chăm ăn uống, trong khi con trai lớp 7 cần người kèm cặp học hành.
Chị Hoa nhờ cháu họ, hiện là sinh viên năm hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên, hàng ngày đến chỉ bảo cho con trai. Hai môn chị giao cháu ôn trong tuần này gồm Toán và Tiếng Anh, chủ yếu ôn lại kiến thức học kỳ I. Các bộ đề do chị cùng cháu họ lên mạng tìm và soạn. Với Toán, chị chọn các bài tập đơn giản, chủ yếu để con ôn lại công thức quan trọng. Riêng Tiếng Anh, chị chọn các bài tập trực quan, có kèm video trên các trang học ngoại ngữ miễn phí để con rèn khả năng nghe. Giờ nghỉ trưa, người mẹ gọi điện nói chuyện, động viên con trai.
“Tôi không bắt cháu học trước chương trình bởi việc đó vô ích, khi nào đi học thầy cô sẽ dạy bài bản. Con trai tôi khá thông minh, nhanh nhạy, nhưng lại ham chơi, nên tôi cứ phải theo sát đôn đốc”, chị chia sẻ.
Điều người mẹ này lo nhất là diễn dịch nCoV, khi số người nhiễm bệnh ngày một tăng. Sau tuần này, nếu dịch bệnh chưa “nguội” mà trường thông báo đi học, chị cũng không yên tâm, nhưng nếu nghỉ thì ảnh hưởng đến việc học tập của con. “Công việc gia đình bị xáo trộn cũng tạo nên nhiều áp lực, chưa kể ông bà nội và cháu tôi cũng không thể sắp xếp để giúp đỡ dài lâu”, chị Hoa nói.