Android vẫn là sự lựa chọn số một của Huawei

Huawei cho biết công ty vẫn coi “Android mã nguồn mở” là sự lựa chọn hàng đầu.

Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 5/2019, nhiều đối tác Mỹ chấm dứt thỏa thuận hợp tác với Huawei. Dù đã lên kế hoạch dự phòng và tích trữ một số linh kiện quan trọng, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc chịu tổn thất lớn do mất quyền truy cập dịch vụ Google Play Service. Vì vậy, các dòng flagship mới nhất của Huawei như Mate 30 hay P40 sắp tới buộc phải dùng phiên bản Android mã nguồn mở và thiếu các ứng dụng thiết yếu của Google.

Việc thiếu Play Store, Google Search, G-mail, Google Drive… không ảnh hưởng đến doanh số trong nước Huawei vì hầu hết chúng đều bị cấm ở Trung Quốc, nhưng làm giảm sức hút của smartphone Huawei trên thị trường quốc tế.

Để tránh phụ thuộc vào Google, Huawei đã phát triển dịch vụ thay thế Huawei Mobile Service, đồng thời đầu tư hàng tỷ USD phát triển hệ sinh thái riêng và mở rộng kho ứng dụng trên AppGallery. Huawei Mobile Service dự kiến sẽ ra mắt cùng dòng P40 vào tháng 3/2020.

Năm ngoái, Huawei bán ra 238,5 triệu smartphone trên toàn cầu, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 300 triệu máy xuất xưởng công bố hồi đầu năm. Nhờ sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc, công ty vẫn giữ được vị trí nhà sản xuất smartphone thứ nhì thế giới, vượt qua Apple và chỉ xếp sau Samsung. Phone Arena nhận định, công ty có thể chứng kiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng vào năm nay nếu chính phủ không gỡ bỏ lệnh cấm.

Việc doanh số smartphone Huawei trong năm 2019 không đáp ứng kỳ vọng được cho là do thiếu dịch vụ và bộ ứng dụng quan trọng của Google. Ảnh: Android Central.
Việc doanh số smartphone Huawei trong năm 2019 không đáp ứng kỳ vọng được cho là do thiếu dịch vụ và bộ ứng dụng quan trọng của Google. Ảnh: Android Central.

Hôm qua (30/1), Fred Wangfei, Giám đốc chi nhánh Huawei tại Đức tuyên bố trên DerStandard, công ty sẽ không cài ứng dụng của Google trên smartphone đời mới, kể cả khi thoát lệnh cấm. Phát biểu này mâu thuẫn với những bình luận được Richard Yu, Giám đốc bộ phận thiết bị tiêu dùng của Huawei đưa ra vào tháng 9/2019. Vào thời điểm đó, Yu nói rằng nếu lệnh cấm được gỡ bỏ, công ty sẽ cài đặt ứng dụng Google lên dòng Mate 30 chỉ trong một đêm.

Động thái mới nhất của Huawei cho thấy công ty không muốn phải đối mặt với tình huống tương tự trong tương lai và giải pháp tốt nhất là thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Wangfrei đã quá tự tin với tuyên bố trên vì chỉ sau một ngày, công ty đính chính rằng sự lựa chọn số một vẫn là “một hệ sinh thái Android mở”.

Kể từ năm 2012, Mỹ đã coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Các nhà chức trách Mỹ lo ngại về mối quan hệ của Huawei với Bắc Kinh, cũng như luật an ninh mạng Trung Quốc yêu cầu công ty phải hợp tác với cơ quan tình báo. Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc tích hợp “cổng hậu” trên smartphone và thiết bị viễn thông.

Bên cạnh vị trí thứ nhì trên thị trường smartphone, Huawei còn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Điều này khiến Mỹ cảnh báo các đồng minh ngăn công ty có trụ sở ở Thâm Quyến tham gia triển khai mạng 5G. Nhật Bản và Australia đã loại bỏ thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng vào năm ngoái, trong khi Đức và Anh đưa công ty vào danh sách một số nhà cung cấp có rủi ro cao và chỉ cho phép hoạt động hạn chế.

Việt Anh (theo Phone Arena) – Vnexpress