Chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu có thể tổn thương vì nCoV

Sự lây lan của nCoV khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu trong nhiều năm.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa ra toàn cầu của Trung Quốc hiện nay cao hơn gấp đôi so với năm 2003, khi dịch SARS hoành hành. Chỉ trong năm 2018, riêng tỉnh Quảng Đông đã xuất khẩu nhiều hơn tổng xuất khẩu của Trung Quốc trong 17 năm trước.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất vốn có ảnh hưởng nhất định mang tính chu kỳ, vào dịp tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm, nhân Tết Nguyên đán, khi đóng cửa nhà máy. Nhưng năm nay, với tình hình lây lan của viêm phổi Vũ Hán, kỳ nghỉ sẽ kéo dài thêm. Vì thế, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc có thể có thấp hơn thời điểm Tết các năm trước.

Trong thập kỷ qua, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 thấp hơn 20% so với mức trung bình của 10 tháng còn lại trong năm. Số ngày nghỉ của công nhân nước này là khác nhau. Tuy nhiên, nếu giả sử trung bình công nhân nghỉ Tết hai tuần thì điều đó có nghĩa sản lượng công nghiệp trong kỳ nghỉ Tết chỉ bằng 1/5 bình thường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2019. Đồ họa: WSJ
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giai đoạn 2011 – 2019. Đồ họa: WSJ

Hơn nữa, không chỉ có quy mô sản xuất là đáng lưu ý. Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp hơn đáng kể so với năm 2003, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Ngay cả các mặt hàng được sản xuất với số lượng ít cũng sẽ bị ảnh hưởng do việc sản xuất bị dừng lại. Các sản phẩm ngày càng phức tạp đồng nghĩa với khó khăn trong việc thay thế các nhà sản xuất chuyên dụng lớn hơn.

Những tình huống bất ngờ trước đây cho thấy điều đó. General Motors đã hai lần đóng cửa các nhà máy ở Mỹ và châu Âu vào các năm 2011 và 2016 bởi vụ động đất ở Nhật Bản. Nguyên nhân là những thành phần quan trọng của ôtô không thể tìm được nguồn cung khác ngoài nước này ngay tức thời. Hay như trận lũ lụt ở Thái Lan năm 2011 đã tạo ra những thay đổi lâu dài đối với chuỗi cung ứng, ngay cả khi những tác động ngay lập tức đã tan biến.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho thấy rằng, có đến 60% tổng tác động kinh tế của trận động đất Nhật Bản 2011 về mặt giá trị gia tăng được gánh chịu bởi các quốc gia khác. Riêng Mỹ gánh 25%.

Một người phụ nữ trên đường Nam Kinh vắng lặng trong tuần này, nơi vốn là con phố thương mại sầm uất ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg
Một người phụ nữ trên đường Nam Kinh vắng lặng trong tuần này, nơi vốn là con phố thương mại sầm uất ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

IMF từng đưa ra lưu ý về tác động mạnh mẽ của cái gọi là rủi ro nhập khẩu. Trong đó, các mặt hàng như máy móc, phụ tùng xe phức tạp, ổ cứng và một số mặt hàng điện đặc biệt dễ bị tổn thương do cú sốc từ nguồn cung. Theo đó, cứ tăng 1% trong rủi ro nhập khẩu từ một quốc gia chịu thảm họa tự nhiên, thì hoạt động xuất khẩu của các nhà nhập khẩu nguyên liệu từ quốc gia đó giảm 0,7% trong cùng năm.

Nhiều nhà kinh tế quốc tế đã cố gắng ước lượng mức giảm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ làm giảm sản lượng toàn cầu ra sao. Nhưng vấn đề là, các phân tích như vậy chủ yếu tập trung vào tác động của nhu cầu, chứ không phải sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tờ Wall Street Journal bình luận, tình hình phong tỏa hiện tại của viêm phổi Vũ Hán với ngành sản xuất đã có quy mô vượt qua cả SARS, lũ lụt ở Thái Lan hoặc động đất ở Nhật Bản. Sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc đang khiến các nhà sản xuất toàn cầu rơi vào tình thế khó khăn, ngay cả sự đình trệ chỉ mới bắt đầu. “Tác động còn có thể được cảm nhận trong nhiều năm tới”, tờ báo kết luận.

Phiên An (theo Wall Street Journal) – Vnexpress