Tương lai ảm đạm của thị trường chứng khoán

Sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ mở cửa đầu tuần sau với ám ảnh bán tháo vì nCoV dù giới chức kêu gọi bình tĩnh.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại đầu tuần tới, sau phiên giao dịch cuối cùng vào ngày 23/1 để nghỉ Tết Nguyên đán. Tờ Wall Street Journal dự báo, cổ phiếu trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ giảm mạnh.

Theo kế hoạch ban đầu, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào thứ sáu vừa qua. Tuy nhiên, do viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng, chính phủ nước này đã cho kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết đến hết tuần.

Trong khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, thị trường chứng khoán Hong Kong tuần qua đã giảm 5,9%. Hang Seng China Enterprises, chỉ số theo dõi các công ty lớn của Trung Quốc được niêm yết tại Hong Kong, đã giảm 6,7%. Đây là mức suy giảm tồi tệ nhất trong hai năm qua.

Một số quỹ ETF nắm giữ cổ phiếu niêm yết ở đại lục đã giảm 8% trong tuần kết thúc vào thứ sáu vừa qua, báo trước sự sụt giảm ở Thượng Hải và Thâm Quyến trong tuần tới. “Điều này có thể gây áp lực lớn cho cổ phiếu Trung Quốc khi thị trường mở cửa”, Olivier D’Assier, Trưởng nghiên cứu thị trường châu Á – Thái Bình Dương của công ty phân tích tài chính Qontigo, nhận định.

Một người đi đường đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: China Daily
Một người đi đường đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: China Daily.

Wei Yingfei, một đối tác của công ty quản lý quỹ tư nhân DayWin Asset Management trụ sở tại Thượng Hải, cho biết sẵn sàng bán ít nhất 1/5 số cổ phiếu mà công ty nắm giữ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa đầu tuần tới. Ông cho rằng giữ tiền mặt lúc này an tâm hơn.

“Không ai có thể nói sự lây lan sẽ kéo dài bao lâu,” ông Wei, đang giám sát khoảng 5 tỷ nhân dân tệ (720 triệu đôla) tài sản, nhận định. Ông dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề vì nCoV. Ông kêu gọi các quỹ nhà nước của Trung Quốc nên ra tay mua vào đầu tuần tới để tránh đỏ sàn.

Mối quan tâm chính của các nhà đầu tư toàn cầu là viêm phổi Vũ Hán có thể biến thành một đại dịch làm tê liệt giao thông vận tải và du lịch, kéo tuột tăng trưởng toàn cầu. Với Trung Quốc, dịch bệnh này có thể làm kinh tế giảm tốc.

Đã có nhiều hãng hàng không đã hủy chuyến bay trong và ngoài Trung Quốc. Mức độ hoạt động kinh doanh và du lịch đã giảm xuống. Nỗi sợ lây nhiễm đang khiến nhiều người phải ở nhà.

Trong tuần qua, một số nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu tiên vài điểm phần trăm. Ông Ting Ting Lu, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho rằng, tình hình đang leo thang nhanh chóng. “Theo quan điểm của chúng tôi, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”, ông nói.

Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng khuyên nhà đầu tư đừng hoảng sợ. Cơ quan quản lý chứng khoán hồi đầu tuần đã kêu gọi nhìn nhận viêm phổi Vũ Hán một cách hợp lý và khách quan. Họ cũng nói giới đầu tư nên tuân thủ khái niệm đầu tư dài hạn và đầu tư giá trị. Riêng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có kế hoạch tăng thanh khoản để hỗ trợ thị trường.

Weiqi Zhu, CEO quỹ Gao Zheng Asset Management, nói rằng sẽ giảm sở hữu các cổ phiếu du lịch, bất động sản, tiêu dùng và sòng bạc Macau, vì đây là những lĩnh vực sẽ bị tổn thương nhiều nhất bởi sự bùng phát của virus. Quỹ này có thể tăng nắm giữ cổ phiếu công nghệ, được cho là ít bị tổn thương hơn.

Năm 2003, khi Trung Quốc bị tấn công bởi dịch SARS, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã thành lập một ủy ban khẩn cấp để theo dõi tác động đối với ngành chứng khoán. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 9% từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 năm 2003, giai đoạn dịch SARS nghiêm trọng nhất và thị trường đã đóng cửa trong một tuần. Thị trường chứng khoán dần phục hồi vào mùa hè.

Richard Bernstein, người đứng đầu công ty đầu tư New York Richard Bernstein Advisors, có nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc, hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra các kích thích tài chính và tiền tệ nhiều hơn để chống lại nguy cơ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp chậm lại trong ngắn hạn

Phiên An (theo Wall Street Journal) – Vnexpress