Carolyn lần đầu tiên phát hiện kẻ buôn người vào tháng 6/2019 khi đang chơi bóng chuyền với bạn. Thấy bé gái có biểu hiện sợ sệt, Carolyn tiến đến mời em chơi cùng nhưng người phụ nữ từ chối. “Bà ấy nói họ là mẹ con và đang rất vội, không thể chơi cùng em”, Carolyn kể lại.
Ngày hôm sau, cảnh sát phát thông báo về người phụ nữ lạ mặt bắt cóc trẻ em, Carolyn đã tìm đến ngôi nhà của bé gái ở làng bên để gặp lại người phụ nữ hôm trước. “Em hỏi thăm sức khỏe của bé gái, rủ em đi chơi nhưng bà ấy không đồng ý. Bà ấy nhờ em trông bé gái vì có việc phải ra ngoài”, Carolyn kể.
Sau khi người phụ nữ đi khỏi nhà, Carolyn vác đứa trẻ trên vai và chạy thật nhanh về phía nhà mình. Kẻ buôn người quay lại, đuổi theo và ném đá về phía Carolyn, nhưng phải dừng lại khi em chạy về đến làng mình và hô hoán thật to.
Khawlhrinj Lalhlupuii, thư ký tại Hội đồng Phúc lợi Trẻ em Mizoram, dành lời khen cho Carolyn: “Nếu Carolyn không ngăn cản kịp thời, kẻ buôn người sẽ biến mất cùng bé gái 7 tuổi. Cô bé hiểu được sự nguy hiểm và dũng cảm giải cứu người bạn nhỏ”.
Lalhlupuii cho biết, cô và Hội đồng Phúc lợi Trẻ em sẽ chia sẻ câu chuyện của Carolyn tại tất cả trường học để nâng cao nhận thức về buôn bán người, phổ biến các quy tắc an toàn tại trường và ở nhà. Câu chuyện của Carolyn đã trở thành nguồn cảm hứng cho một chiến dịch chống nô lệ mới và chính phủ quyết định trao cho em giải thưởng Bravery (giải thưởng Dũng cảm).
Lalsangzeli, mẹ của Malsawmtluang, nói: “Chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc. Cả làng đã gửi tới cô gái dũng cảm của tôi những lời chúc tốt đẹp nhất”.
Hàng năm, giải thưởng Bravery được trao cho 25 người trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18. Những em nhận giải thưởng được trao huy chương, chứng chỉ, tiền mặt và hỗ trợ tài chính để học tập.
Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ, hàng năm nước này có 6.000 nạn nhân bị buôn bán và một nửa là trẻ em. Phần lớn trẻ bị bắc cóc, bị bán làm lao động giá rẻ, ép kết hôn và hiếm khi được đoàn tụ với gia đình.
Thanh Hằng (Theo Asia One) – Vnexpress