Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết, Tết này, điểm diễn của anh tiếp tục “cháy” vé. Mỗi ngày, từ cận Tết đến mùng 5, sân khấu diễn trung bình ba suất, mỗi suất khoảng 350 ghế ngồi và đều hết vé từ trước khi mở màn, kê thêm ghế phụ. Hai vở thu hút khán giả là Chuyện cũ mình bỏ qua – kể chuyện đôi trẻ vượt qua định kiến của gia đình để yêu nhau, và Cuộc chiến sắc đẹp – khai thác mô típ cung đấu.
Theo quản lý, dịp này, Thế Giới Trẻ không gặp trở ngại về đội ngũ diễn viên như năm trước. “Chúng tôi từng giảm 20% suất diễn vì nghệ sĩ mải chạy show, không đảm bảo được lịch đóng. Còn ngày Tết, họ không vướng lịch quay, ai nấy đều chung tay góp sức cho một mùa kịch giòn giã tiếng cười”, anh nói.
Ông Huỳnh Anh Tuấn – ông bầu Idecaf – cho biết năm nay, sân khấu này bán hết vé từ một tháng trước. Hàng năm, vào mùa Tết, Idecaf là một trong những sàn diễn “sốt” vé nhất. Hai vở gây chú ý Tết này là Mưu bà Tú và Ác nhân cốc. So với mùa Tết Kỷ Hợi, nơi này giảm số suất, trung bình mỗi ngày diễn hai buổi với khoảng 300 ghế. Ông Tuấn cho biết lực lượng diễn viên nòng cốt như nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu… tuổi đã cao, việc diễn ít suất nhằm giữ sức khỏe cho các nghệ sĩ.
“Theo quan sát của tôi sau 24 năm làm nghề, dịp Tết, đa số sân khấu đều đông vui. Đây cũng là thời điểm các sàn diễn hoạt động tích cực nhất. Kể từ sau rằm tháng Giêng, suất diễn bắt đầu ít dần, khán giả vơi bớt”, ông Anh Tuấn nói.
Nghệ sĩ Hồng Vân cũng vui mừng khi hai sàn diễn của chị tiếp tục đầy ắp khán giả. Tại sân khấu Phú Nhuận, trung bình mỗi buổi bán hơn 200 vé. Mùng ba, khán giả suất sau xếp hàng chờ vào xem dù suất trước còn diễn. Hồng Vân đẩy mạnh các vở hài kinh dị – vốn là thể loại được yêu thích tại sân khấu chị, như: Gác cũ, Ma nữ không chồng, 2-4-6, Oan hồn truyện… Dù mới khai trương hơn một tháng, sân khấu Chợ Lớn của chị được khán giả đón nhận với hai vở văn học dân gian là Bạch xà truyện và Ngẫm Kiều.
Tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, khán giả chiếm khoảng 70% số ghế mỗi suất diễn. Dịp này, 5B ra mắt hai vở hài kịch mới: Giao kèo sống thật – lên án lối sống dối trá, lừa gạt lẫn nhau, và Tía ơi con lấy chồng – khai thác cuộc sống của những phụ nữ làm mẹ đơn thân, người đồng tính. “Năm nay, sân khấu đẩy mạnh việc bán vé qua mạng xã hội, các diễn viên cũng tích cực quảng bá vở nên khán giả đông hơn các năm trước”, nghệ sĩ Mỹ Uyên, giám đốc 5B nói.
Điểm diễn của nghệ sĩ Quốc Thảo hướng đến thể loại hài kịch với các vở: Mảnh màu nào cho nhau, Yêu ông thầy… Sân khấu Hoàng Thái Thanh khai thác đề tài miền Tây sông nước với vở Mút chỉ Mút Cà Tha, hay chuyện tình đôi lứa trong tác phẩm Tình yêu trời đánh. Hai vở mới do hai đạo diễn Ái Như, Thành Hội dàn dựng được diễn xuyên Tết, mỗi ngày hai suất, xen kẽ cùng các vở cũ: Bông hồng cài áo, Nửa đời ngơ ngác…
Kịch Tết bội thu là niềm động viên cho các sân khấu, sau một năm kịch nói gồng mình chịu lỗ. Hồng Vân nói năm 2018-2019, chị lỗ gần một tỷ đồng để duy trì SuperBowl – nơi vừa đóng cửa hồi tháng 10/2019. Trịnh Kim Chi bù hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vì liên tục giảm suất diễn. Idecaf – thương hiệu kịch nói được yêu thích hàng đầu – giảm còn khoảng 60% suất so với năm 2018, tương đương 15-16 suất mỗi tháng.
Theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhiều sân khấu đang gặp là thiếu kịch bản. Nguồn kịch bản cho dịp Tết hiếm đến mức “đỏ mắt đi tìm”. Ông cho rằng việc đầu tư nhiều vở vào dịp Tết khó mang lại hiệu quả cao, do Tết là dịp khán giả thích đi chơi xa. Ông và nhiều sân khấu khác tập trung theo hướng “ít mà chất” để đảm bảo có lợi nhuận. Hồng Vân, Quốc Thảo chọn diễn viên từ lớp đào tạo của họ để đảm bảo nguồn nhân lực luôn đều đặn. Năm mới, Hồng Vân sẽ đầu tư vào các vở thuộc dòng kịch văn học như Bỉ vỏ, Con nhà nghèo, Số đỏ…