Nhận giấy phép nhượng quyền của một doanh nghiệp logistics nội địa tại Ninh Bình từ đầu năm 2019, anh Nguyễn Thái nay có hệ thống bưu cực phủ đủ các huyện của tỉnh. Hệ thống giao nhận của anh đã có hơn 900 khách là cửa hàng. Một đơn COD giao trong tỉnh có thể xử lý trong ngày, với khoảng cách huyện này qua huyện kia có bán kinh 120km.
“Đây là thời điểm ngành nghề chuyển phát thu hộ COD tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt với các ông lớn”, anh Thái nói.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Logistics Việt Nam, toàn quốc hiện có khoảng 30.000 công ty logistics, trong đó có 4.000 công ty giao nhận – logistics quốc tế. Tốc độ phát triển của ngành logistics khoảng 12-14%, quy mô thị trường khoảng 40-42 tỷ USD.
Điểm mới của ngành này là các doanh nghiệp chuyển từ cách làm truyền thống sang logistics thương mại điện tử. Thị trường chuyển phát trở thành miếng bánh béo bở mà rất nhiều nhà kinh doanh muốn tham gia chia phần. Tuy nhiên đây cũng là ngành cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn, vì muốn phát triển tốt ngoài công nghệ cần có mạng lưới phủ sóng rộng khắp.
Do vậy, việc nhận quyền thương hiệu một mô hình chuyển phát thay vì tự mình xây dựng một thương hiệu rộ lên từ năm qua, mang lại lợi ích của cả hai. Đơn vị nhượng quyền mở rộng mạng lưới nhanh chóng còn đơn vị nhận nhượng quyền có sẵn hệ thống, thương hiệu và thậm chí là khách hàng.
Từ năm 2019, thị trường bắt đầu sôi động khi các tên tuổi nước ngoài như ZTO Express, BEST Express bước chân vào. Sau hơn một năm, BEST Express có 7 trung tâm khai thác, hơn 100 bưu cục, một tỉnh có thể có đến 3 đến 20 điểm bưu cục. Riêng Hà Nội có đến 20 bưu cục và T PHCM có đến 26 bưu cục.
Theo chia sẻ người trong ngành, ở mỗi bưu cục của BEST, người nhận nhượng quyền cần đầu tư cơ sở vật chất khoảng 500 triệu đồng cùng với tiền ký quỹ và phí nhượng quyền lần lượt khoảng 200 và 175 triệu đồng.
“Ở Trung Quốc và Thái Lan, chúng tôi đã áp dụng mô hình này và nó khá thành công trong việc giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào nền kinh tế số. Tôi biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn thành một phần của nền kinh tế số nhưng họ quá nhỏ, không đủ nguồn lực”, ông Johnny Chou, Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng quản trị CEO BEST chia sẻ trong dịp công ty này ra mắt Việt Nam năm ngoái.
Theo sau BEST Express, giữa năm 2019, ZTO Express vào Việt Nam làm nhượng quyền. ZTO Express đang có khoảng 12 bưu cục. Mỗi bưu cục, người nhận quyền phải thanh toán cho ZTO 50.000 nhân dân tệ (khoảng 165 triệu đồng) tiền ký quỹ và 10.000 nhân dân (khoảng 33 triệu) tiền bảo trì hệ thống cho hợp đồng không thời gian hạn. Tuy nhiên mỗi bưu cục chỉ được khai thác 1 quận/huyện.
Cũng theo đuổi mô hình nhượng quyền, một startup nội địa có tên SuperShip hiện chào giá “mềm” hơn các đối thủ ngoại. Để trở thành một bưu cục chịu trách nhiệm ở một huyện, người nhận quyền cần khoảng 50 triệu mua thương hiệu chuyển giao công nghệ và ký quỹ với thời hạn hợp đồng 3 năm. Họ cũng cần thêm khoảng 50 triệu để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.
“Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo sự phát triển vượt bậc của nhiều ngành nghề, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển thương mại điện tử. Thị trường chuyển phát hứa hẹn là miếng bánh béo bở, cộng thêm những lợi thế rất lớn trong việc triển khai với hình thức nhượng quyền thương hiệu, đây chắc chắn là cơ hội khởi nghiệp an toàn và đầy tiềm năng” anh Lê Sỹ Văn, một đơn vị nhận nhượng quyền tại Thanh Hóa, bình luận.
Ông Lê Thanh Hoài, Nhà sáng lập kiêm CEO SuperShip cho biết, ngoài 128 điểm bưu cục đã mở, công ty còn có hơn 30 bưu cục chờ mở và đặt mục tiêu có hơn 500 điểm bưu cục vào tháng 6 năm 2020.
Theo ông, ở mô hình nhượng quyền bưu cục, chi phí mà khách hàng phải trả để sử dụng dịch vụ vận chuyển đơn hàng liên tỉnh, là doanh thu tổng, sẽ được chia đều cho nhiều đơn vị liên quan đến quá trình giao hàng, như đơn vị lấy hàng về kho, giao hàng cho khách, trung chuyển, chứ không thuộc 100% của một đơn vị.
“Điều này có nghĩa là một đơn vị phát triển được khách hàng, thì sẽ mang lại doanh thu cho toàn hệ thống, như vậy nếu có 128 bưu cục, mỗi bưu cục phát triển doanh số, khách hàng tốt hơn ‘một chút’ thì đồng nghĩa với SuperShip phát triển hơn ‘nhiều chút – có thể ví von 128 chút’”, ông nói.
Thực tế, mô hình nhượng quyền làm bưu cục cũng đang là trào lưu trên thế giới. Trong đó, phải nhắc đến một số cái tên nổi bật như YTO Express, STO Express, SF Express (Trung Quốc), InExpress (Anh)…
Từ một đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống hoặc cung cấp dịch vụ địa phương, bằng cách sử dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu, các công ty chuyển phát đã trở mình và thích nghi với mô hình kinh tế chia sẻ.
Các công ty chuyển phát không còn đi theo chiến lược kinh doanh tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ tại từng địa phương, mà họ thường tập trung phát triển thương hiệu họ thật tốt tại một địa phương/một quốc gia, tập trung đầu tư vào nền tảng công nghệ (website, app..) sau đó bán lại nền tảng công nghệ này cho các đơn vị nhận quyền tại nhiều địa phương và quốc gia khác.
Như vậy, doanh thu chiến lược của họ sẽ chuyển từ nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển toàn thế giới thành số phần trăm doanh thu (hoa hồng) họ nhận được từ các đại lý nhận quyền thương hiệu sau khi họ thực hiện nhượng quyền thành công và phát triển thương hiệu, doanh số toàn hệ thống.
Viễn Thông – Vnexpress