“USS Tennessee bắt đầu tuần tra trên biển từ cuối năm 2019, mang theo một hoặc hai đầu đạn loại mới có tên W76-2. Nó vẫn đang hoạt động trên biển và dự kiến về cảng trong tháng 2”, Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) hôm qua cho biết.
Kristensen nhận định một tàu ngầm khác cũng đang tuần tra Thái Bình Dương với loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W76-2. Thông tin được thu thập sau các cuộc thảo luận giữa FAS và quan chức chính phủ Mỹ, trong đó đề cập tới dự án phát triển đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ cho tên lửa đạn đạo.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này. “Chính sách của Mỹ là không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện hoặc thiếu vắng vũ khí hạt nhân tại các địa điểm được đề cập”, Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông cáo cho hay.
Đầu đạn W76-2 được phát triển từ phiên bản W76-1, trong đó sức nổ giảm xuống tương đương 5.000-7.000 tấn thuốc nổ TNT, so với mức 100.000 tấn của W76-1. Điều này khiến W76-2 sở hữu uy lực vừa phải của vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng có thể phóng bằng tên lửa đạn đạo chiến lược có sẵn trong biên chế Mỹ tới bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất trong thời gian ngắn.
W76-2 được chế tạo theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi Lầu Năm Góc công bố Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) hồi năm 2018, trong đó cho thấy Mỹ không chỉ muốn hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang già cỗi mà còn nghiên cứu nhiều vũ khí mới để đối phó Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Một trong những vũ khí được đề xuất là “đầu đạn hạt nhân đương lượng nhỏ” để trang bị cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident nhằm đối phó với “sự suy thoái của môi trường chiến lược”. Lầu Năm Góc cho rằng nhiều quốc gia đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân không thuộc quyền kiểm soát của các hiệp ước hiện nay, đòi hỏi Washington phát triển khí tài tương tự để đáp trả khi cần thiết.
W76-2 bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo loại vũ khí này có thể gây nguy cơ xung đột hạt nhân quy mô nhỏ, thậm chí có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Vũ Anh (Theo NPR) – Vnexpress