Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng và hơn 7.700 ca nhiễm. Nhưng không chỉ dịch bệnh lây lan mà những tin đồn thất thiệt về nó cũng đang lan truyền rộng rãi cả trong và ngoài Trung Quốc.
Ngay từ những ngày đầu, các giả thuyết về nguồn gốc căn bệnh đã tràn ngập trên Internet, trong đó đáng chú ý hơn cả là thông tin về việc dịch bệnh bắt nguồn từ món súp dơi ở Trung Quốc.
Video quay cảnh một người phụ nữ tươi cười, cầm con dơi đã nấu chín trên tay, nhìn về phía camera rồi nói nó “ăn giống như thịt gà” nhanh chóng gây phẫn nộ trên mạng. Một số người dùng mạng xã hội nhanh chóng đổ lỗi cho thói quen ăn uống của người Trung Quốc là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, video này không được quay ở Vũ Hán hay ở Trung Quốc. Trên thực tế, nó được quay từ năm 2016 ở Palau, quần đảo phía tây Thái Bình Dương. Người phụ nữ xuất hiện trong video là Mengyun Wang, người dẫn chương trình du lịch kiêm blogger nổi tiếng.
Video nổi trở lại trên mạng xã hội sau khi các trường hợp nhiễm virus corona mới được phát hiện ở Vũ Hán cuối năm ngoái.
Sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích, Wang đã xin lỗi, nói rằng cô “chỉ cố gắng giới thiệu về cuộc sống của người dân địa phương” tới khán giả và không biết dơi có thể là nguồn mang bệnh. Đoạn video đã bị xóa khỏi tài khoản của Wang.
Chủng virus corona mới được cho là bắt nguồn từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở một khu chợ thủy sản tại Vũ Hán. Dù một số nghiên cứu gần đây của Trung Quốc đánh giá dơi có thể là nguồn phát tán virus, súp dơi không đặc biệt phổ biến ở nước này và các cuộc điều tra về nguồn gốc chính xác của nCoV vẫn tiếp diễn.
Khi Mỹ tuần trước báo cáo về trường hợp đầu tiên nhiễm viêm phổi cấp, một số bài viết về dịch bệnh này bắt đầu được lan truyền trên Twitter và Facebook, khiến nhiều người ngỡ rằng các chuyên gia đã biết về nCoV suốt nhiều năm qua nhưng không hành động gì. Một trong những người đầu tiên đưa ra thuyết âm mưu như vậy là YouTuber Jordan Sather.
Trong bài viết dài được chia sẻ hàng nghìn lần trên Twitter, Sather đăng đường link dẫn tới một bằng sáng chế năm 2015 do Viện Pirbright ở Surrey, Anh, nộp, đề cập tới việc phát triển một phiên bản virus corona suy yếu có thể dùng để chế tạo vaccine ngăn ngừa hoặc chữa các bệnh về hô hấp. Đường link trên cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng Facebook, chủ yếu trong các nhóm ủng hộ thuyết âm mưu và chống vaccine.
Theo Sather, dịch bệnh hiện nay được tạo ra nhằm mục đích thu hút nguồn tiền tài trợ cho việc phát triển vaccine của Viện Pirbright. Tuy nhiên, virus corona mới không liên quan gì tới bằng sáng chế của Pirbright. Thay vào đó, nó đề cập tới virus gây bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà.
Một thông tin vô căn cứ khác lan truyền trên mạng nói rằng virus mới là một phần trong “chương trình vũ khí sinh học bí mật” của Trung Quốc và có thể bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.
Nhiều tài khoản mạng xã hội còn chia sẻ hai bài báo được đăng trên Washington Times, dẫn lời một cựu sĩ quan tình báo quân đội Israel nói về thông tin này.
Tuy nhiên, hai bài báo trên không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố và nguồn tin Israel cũng nói “không có bằng chứng hay dấu hiệu nào” cho thấy virus bị phát tán từ phòng thí nghiệm. Bài viết của Washington Times cũng dẫn lại ý kiến của Tiến sĩ Richard Ebright, chuyên gia về vi sinh tại Đại học Rutgers trả lời tờ Daily Mail rằng “tại thời điểm này không có lý do gì để đưa ra nghi vấn rằng phòng thí nghiệm Trung Quốc có liên quan đến đợt bùng phát dịch”.
Dù vậy, hai bài báo đã được hàng trăm tài khoản mạng xã hội khác nhau dẫn lại và có thể đã được hàng triệu người đọc. Tờ Daily Star cũng xuất bản một bài viết tương tự tuần trước, cho rằng nCoV có thể “khởi phát từ một phòng thí nghiệm bí mật”. Tờ báo này sau đó đã sửa bài viết và nói rằng tuyên bố này không có căn cứ.
Một số người lại tung tin rằng sự xuất hiện của virus nCoV có liên quan tới việc đình chỉ công tác một nhà nghiên cứu gốc Hoa tại Phòng Thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada.
Nhà virus học Xiangguo Qiu, chồng bà và một số sinh viên từ Trung Quốc đã bị phòng thí nghiệm này đình chỉ công tác sau khi có hành vi “vi phạm chính sách”, kênh truyền hình quốc gia Canada (CBC) năm ngoái đưa tin. Cảnh sát cho biết sự việc “không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào với cộng đồng”.
Một dòng tweet được chia sẻ hơn 12.000 lần và nhận được 13.000 lượt like cáo buộc tiến sĩ Qiu và chồng là “một đội gián điệp”, đã gửi “mầm bệnh đến cơ sở nghiên cứu ở Vũ Hán” và chồng bà “chuyên nghiên cứu về virus corona”.
Một thông tin khác nói Qiu đã tới Phòng Thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hai lần mỗi năm trong vòng hai năm qua.
Tuy nhiên, những thông tin này đều không có trong bản tin của CBC, cụm từ “virus corona” hay “gián điệp” thậm chí còn không xuất hiện. CBC khẳng định chúng hoàn toàn là những thông tin vô căn cứ.
Một video có tựa đề “Y tá Trung Quốc ở bệnh viện Vũ Hán tiết lộ sự thật về virus corona” đã thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Video này còn được một người ở Hàn Quốc đăng lên YouTube, gồm cả phụ đề tiếng Anh lẫn tiếng Hàn.
Theo phụ đề tiếng Anh, người phụ nữ trong video là y tá tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, người này không có lời nào tự nhận mình là y tá hay bác sĩ. Đây dường như chỉ là nhận định chủ quan của người đăng video khi đặt tựa đề.
Người phụ nữ mặc bộ đồ bảo hộ tại một địa điểm không xác định. Nhưng bộ quần áo và khẩu trang không giống với bộ đồ mà các nhân viên y tế ở Hồ Bắc mặc.
Do tỉnh Hồ Bắc hiện bị phong tỏa, việc xác minh tính xác thực của video là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, người phụ nữ trong video đưa ra rất nhiều tuyên bố không có căn cứ về virus, khiến cô không có vẻ gì là một y tá hay nhân viên y tế.
Cô cho biết số ca nhiễm bệnh thực tế ở Trung Quốc là 90.000 người, vượt xa con số gần 8.000 người mà chính phủ đưa ra. Cô cũng nói virus còn mang “đột biến thứ hai” khiến một người có thể lây cho 14 người, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trung bình một người chỉ có thể lây nhiễm virus nCoV cho 1,4 đến 2,5 người.
“Cô ấy không giống như người có kiến thức về y khoa”, Muyi Xiao, người gốc Vũ Hán, biên tập viên hình ảnh cho tạp chí online ChinaFile, nhận xét.
Dù chưa rõ địa điểm quay video, nhiều khả năng người phụ nữ này là cư dân Hồ Bắc và cô đang chia sẻ ý kiến cá nhân về dịch bệnh.
“Cô ấy có thể nghĩ rằng mình đang nói sự thật bởi không ai biết sự thật là gì”, Badiucao, một nhà hoạt động chính trị Trung Quốc hiện sống tại Australia, bình luận. “Sự thiếu minh bạch chỉ khiến mọi người tiếp tục đồn đoán và thêm hoảng loạn”.
Vũ Hoàng (Theo BBC) – Vnexpress