Dịch viêm phổi giáng đòn vào kinh tế Trung Quốc

Tàu cao tốc bị hủy, điểm du lịch đóng cửa, cả một tỉnh bị phong tỏa, các biện pháp Trung Quốc áp dụng để kiềm chế dịch đang đe dọa nền kinh tế vốn đã mong manh.

Khi nền kinh tế số hai thế giới ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng, virus viêm phổi tấn công vào thời điểm tồi tệ nhất khi hàng trăm triệu người di chuyển khắp đất nước để nghỉ Tết.

Một bé gái tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/1. Ảnh: AFP.
Một bé gái tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/1. Ảnh: AFP.

GDP Trung Quốc năm ngoái có mức tăng chậm nhất trong ba thập kỷ, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, tình hình ổn định hơn trong ba tháng cuối năm và hiệp định thương mại giai đoạn một ký với Mỹ mang đến nhiều hy vọng hơn.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard từ công ty kinh tế Capital Economics cho rằng dịch viêm phổi “đã giáng đòn vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là ngành vận tải và tiêu dùng, bao gồm nhà hàng và bán lẻ”.

Kỳ nghỉ Tết được kéo dài thêm ba ngày, có nghĩa là Trung Quốc có thể từ từ quay lại nhịp độ làm việc bình thường từ thứ hai tuần sau. Một số công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, bao gồm tập đoàn Tencent.

Chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng Haidilao đóng cửa tất cả chi nhánh tại Trung Quốc cho đến cuối tháng. Trung Quốc hủy các tour du lịch nhóm trong nước và quốc tế, động thái có thể tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch nước này, vốn  chiếm 11% tổng GDP.

Giới chức vào đầu tuần khuyến cáo tất cả du khách Trung Quốc nên hủy các chuyến đi nước ngoài “để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân Trung Quốc và ngoại quốc”. Đây là tin xấu cho ngành hàng không. Lưu lượng khách ngành đường sắt và hàng không vào ngày mùng một Tết giảm hơn 40% so với năm ngoái. Hàng trăm tàu cao tốc, phương tiện phổ biến ở Trung Quốc, bị đình chỉ cho đến ngày 9/2.

Ngành điện ảnh cũng chịu ảnh hưởng lớn. Doanh thu phòng vé của Trung Quốc trước Tết chỉ bằng 1/10 năm ngoái khi mọi người đều tránh đến những nơi đông người như rạp chiếu phim. Lịch chiếu 7 phim bom tấn trong kỳ nghỉ đã bị hủy.

Các nhà phân tích tại S&P cho biết ngành tiêu dùng đóng góp khoảng 3,5 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 và cảnh báo rằng chỉ cần mức giảm 10% trong tiêu dùng cũng đủ để gây bốc hơi khoảng 1,2 điểm phần trăm GDP.

Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch, các nhà ga dừng hoạt động, sự kiện bị hủy, nhà hát, thư viện và quán karaoke ở một số địa điểm đóng cửa. Vũ Hán, thủ phủ 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc chuyên sản xuất thép và xe hơi, đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/1.

“Vũ Hán là một trung tâm trung chuyển và sản xuất quan trọng ở miền trung Trung Quốc. Nếu tình trạng phong tỏa tiếp diễn sau kỳ nghỉ Tết, nó sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất công nghiệp – một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng”, Raymond Yeung, nhà kinh tế từ ANZ Research, cho biết.

Vũ Hán đóng góp khoảng 1,6% GDP Trung Quốc, theo S&P. Một số hãng xe nước ngoài, bao gồm General Motors và Renault, sản xuất xe trong thành phố thông qua liên doanh với các công ty Trung Quốc. Giá trị sản lượng của ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng tại Vũ Hán là khoảng 400 tỷ NDT (57 tỷ USD). Ước tính thành phố sản xuất khoảng 1,7 triệu xe vào năm 2018.

“Chuỗi cung ứng phức tạp và hệ thống sản xuất tức thời (mỗi công đoạn của quy trình sản xuất ra số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn tiếp theo cần tới) đồng nghĩa với việc tình trạng ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Vũ Hán sẽ có tác động lớn”, S&P viết trong một nghiên cứu.

Dịch viêm phổi Vũ Hán gây liên tưởng đến đại dịch SARS năm 2003, khiến gần 650 người trên khắp Trung Quốc đại lục và Hong Kong thiệt mạng. Evans-Pritchard cảnh báo virus mới đang lây lan rộng hơn và nhanh hơn SARS trong bối cảnh du lịch nước ngoài đã tăng trưởng gấp 10 lần và lưu lượng hành khách tăng gấp ba lần trong 17 năm qua.

Trong khủng hoảng SARS, lưu lượng hành khách đã giảm một nửa trong vài tháng. Nhưng ông Yeung cho biết chính phủ Trung Quốc đã rút kinh nghiệm cách xử lý dịch và do đó tác động lần này “sẽ ít nghiêm trọng hơn” khủng hoảng SARS.

Công ty phân tích Oxford Economics nói rằng dịch bệnh chủ yếu hình thành rủi ro trong hai quý đầu năm. Đây có thể là “sự kiện có tác động lớn, nhưng chỉ trong ngắn hạn”, công ty viết trong một bản ghi chú.

Phương Vũ (Theo AFP) – Vnexpress