Chọn miếng dán màn hình nào cho smartphone

Miếng dán bảo vệ màn hình smartphone có khoảng ba loại phổ biến với ưu, nhược điểm khác nhau.

PET

Nhựa PET (polyetylen terephthalate) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ngành công nghiệp sản xuất, chúng được sử dụng cho những sản phẩm quen thuộc với đời sống như chai nước, hộp đựng thực phẩm… Nhược điểm, dễ bị trầy xước và khả năng bảo vệ không cao.

Miếng dán PET cho smartphone có giá rẻ.
Miếng dán PET cho smartphone có giá rẻ.

Tuy nhiên, tấm PET bảo vệ màn hình đã được các nhà sản xuất tích hợp thêm một màng polyester kèm lớp phủ mờ chống trầy xước ở mặt trên và keo silicon ở mặt dưới, do đó độ bền đã được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, ưu điểm của loại miếng dán này là giá rẻ hơn so với những sản phẩm khác.

Theo Phonearena, miếng dán PET nên sử dụng cho các điện thoại giá rẻ, điện thoại cũ với chức năng bảo vệ cơ bản.

TPU

TPU (thermoplastic polyreuthane) là loại nhựa được tăng cường hóa học với đặc tính cao hơn PET, bao gồm khả năng chống trầy xước, độ đàn hồi, kháng dầu mỡ và tăng độ dẻo dai. Nhờ có tính đàn hồi, các vết xước nhẹ trên bề mặt nhựa có khả năng “tự lành” sau một thời gian. Thực tế, TPU là chất liệu bảo vệ cho cả máy bay phản lực và một số thiết bị hàng không vũ trụ.

Tuy vậy, việc áp dụng chúng cho các sản phẩm có kích thước nhỏ gọn như smartphone vẫn bị hạn chế. Miếng dán TPU có nhiều ưu điểm hơn so với PET nhưng vẫn có nhiều nhược điểm, chẳng hạn bề mặt không mịn khiến trải nghiệm lướt trên màn hình không thực sự thoải mái.

Kính cường lực

Kính cường lực được sử dụng phổ biến nhất trên smartphone.
Kính cường lực được sử dụng phổ biến nhất trên smartphone.

Với loạt ưu điểm như bề mặt trơn láng, khả năng chống sốc, chống trầy xước, kháng dầu và có thể dát mỏng (từ 0,4mm), kính cường lực là lựa chọn phổ biến cho người dùng để bảo vệ màn hình smartphone. Không những thế, loại miếng dán này còn có khả năng truyền độ sáng cao hơn, từ đó giúp hình ảnh hiển thị rõ ràng và sắc nét hơn.

Tuy vậy, chúng cũng có giá bán khá cao. Trong trường hợp nứt vỡ, mảnh vỡ có thể gây sát thương đến người người dùng chúng.

Dán miếng bảo vệ màn hình thế nào

Có hai phương pháp dán miếng bảo vệ màn hình smartphone: dán khô và dán ướt. Với dán khô, người dùng có thể tìm phòng kín, không có gió, bụi bẩn hoặc hơi nước, sau đó lau sạch màn hình điện thoại, bóc miếng dán và dán sao cho không có các bong bóng không khí ở giữa.

Với dán ướt, việc chọn nơi dán tương tự dán khô. Tuy nhiên, trước khi đặt miếng dán, cần xịt một ít chất kết dính (đi kèm hộp khi bán) lên màn hình, dán miếng bảo vệ và dùng thiết bị có tia UV để làm khô.

Bảo Lâm (theo Phonearena) – Vnexpress