1. Choáng ngợp
Khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, điều tệ nhất là không biết phải bắt đầu từ đâu. Khi mới học tiếng Nhật, tôi chỉ thấy hàng loạt ký tự vô cùng khó hiểu và nghĩ rằng “chắc mình sẽ không bao giờ hiểu hết nó”. So với việc học ngoại ngữ tại trường, thời điểm ấy tôi chỉ mang một cái đầu trống rỗng và một vài cuốn sách học tiếng Nhật nhưng không giúp ích được gì. Tuy nhiên, tôi đã may mắn vượt qua bằng cách sử dụng mạng xã hội dành cho người học ngoại ngữ Italki, kết nối với một giáo viên dạy tiếng Nhật và học hỏi dần dần.
Lời khuyên của tôi dành cho mọi người là hãy làm mọi việc chậm rãi, bình tĩnh. Rất nhiều người khi mới bắt đầu đã đặt ra mục tiêu phải học thành công trong khoảng thời gian nhất định nhưng chỉ trừ người cần học nhanh chóng vì mục đích gần, bạn phải dành nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ. Đừng cố ôm đồm nhiều việc cùng lúc như phải vừa phát âm chuẩn, vừa viết chính xác từ.
Nếu cảm thấy choáng ngợp với khối lượng kiến thức khổng lồ, hãy bắt đầu với từng chủ đề và luyện tập thường xuyên cho thành thạo. Bạn chỉ nên đẩy nhanh tốc độ học khi lượng kiến thức nền tảng đã vững vàng và sẵn sàng với những điều khó hơn.
2. Cô đơn
Không có gì gây mất tinh thần hơn cảm giác bạn là người duy nhất trên thế giới đang học ngoại ngữ, đặc biệt những ngoại ngữ ít phổ biến hơn tiếng Anh, tiếng Trung. Sự cô đơn có thể nảy sinh vì bạn chỉ bất chợt nảy sinh hứng thú với ngôn ngữ mới mà không có mục đích rõ ràng hoặc chiến lược cụ thể cho việc học.
Tôi từng tự học các ngôn ngữ ngẫu nhiên nhưng không bao giờ tiến xa vì đó chỉ là sở thích nhất thời. Tôi không có ai chia sẻ hứng thú hoặc cùng bàn luận về ngôn ngữ đang học. Tôi từng cảm giác là người duy nhất học ngôn ngữ mới và tôi cũng không rõ sẽ học để làm gì khi chẳng có ai bận tâm đến ngôn ngữ của tôi.
Nhưng may mắn thay, trong vài năm qua, cộng đồng người tự học ngoại ngữ trực tuyến đã tăng lên đáng kể và tôi tìm thấy nơi tôi thuộc về. Tôi quen Tim Doner, người có thể nói 20 thứ tiếng hay Benny Lewis, blogger chia sẻ phương pháp học ngoại ngữ.
Tháng 10/2014, tôi đã tham dự hội nghị dành cho người sử dụng đa ngôn ngữ tại thành phố Novi Sad, Serbia. Lần đầu tiên trong đời tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với những người cùng chung sở thích học ngoại ngữ và cùng nhau chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ trên thế giới.
Vì vậy, để bước qua cảm giác cô đơn lúc ban đầu, bạn nên tham dự các sự kiện về ngôn ngữ, câu lạc bộ hoặc nhóm trực tuyến học ngoại ngữ. Chẳng hạn, trên Facebook, bạn có thể tìm kiếm và tham gia các nhóm học ngôn ngữ bằng các từ khóa như “polyglot” (người sử dụng đa ngôn ngữ), “language learners” (những người học ngoại ngữ). Khi gặp khó khăn hay thiếu động lực học, bạn có thể chia sẻ tâm trạng với họ. Những người học ngoại ngữ sẽ rất nhanh đồng cảm với cảm xúc của bạn và sẵn sàng đưa ra lời khuyên, lời động viên hữu ích.
3. Chán nản
Khi học ngoại ngữ cùng bạn bè tại trường lớp, bạn có thể bàn tán với mọi người về những từ thú vị hoặc yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình tự học, bạn gần như làm tất cả điều này một mình. Lâu dần, bạn sẽ nảy sinh cảm giác nhàm chán, mất động lực và muốn bỏ cuộc.
Khi là sinh viên Đại học Mở (Vương quốc Anh), tôi luôn cảm thấy chán nản khi nhìn thấy tài liệu học tập. Tôi rất yêu ngành học của mình và muốn chia sẻ kiến thức với bất cứ ai, nhưng những khóa học tại trường làm tôi phát ngấy. Thay vì làm cho bài học trở nên thú vị, tôi đã lướt qua nó, bỏ lỡ kiến thức vô cùng giá trị. Nghĩ lại, tôi ước đã nhận ra sai lầm và cố gắng khắc phục bằng cách biến tài liệu trở nên hấp dẫn hơn hoặc thay đổi phương pháp học.
Nếu bạn cảm thấy tài liệu học ngoại ngữ nhàm chán, đừng tiếp tục lãng phí thời gian vào nó. Việc bạn cố gắng dồn nén cảm xúc uể oải của mình để học sẽ không mang lại hiệu quả tích cực mà chỉ càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. Vậy nên hãy thay đổi phương pháp hoặc tài liệu học để mang lại sự hứng khởi mới. Bạn cũng có thể nghỉ ngơi nếu mệt mỏi để vực dậy tinh thần.
4. Mất phương hướng
Mỗi người học ngoại ngữ đều mong muốn bản thân giỏi lên, nhưng với người tự học câu hỏi chung được đặt ra là phải làm thế nào để tiến bộ? Bạn biết đấy, khi tự học, chẳng ai bảo chúng ta phải làm gì hay làm như thế nào, tất cả đều do chính người học lên kế hoạch, mày mò và tự thử nghiệm.
Khi học tiếng Ba Lan, tôi chỉ tìm những từ, cụm từ ngẫu nhiên để học và cố gắng hết sức để sử dụng chúng. Tôi loay hoay không biết học thế nào cho hiệu quả và cuối cùng thất bại. Dường như đó là nhiệm vụ bất khả thi mà tôi không biết bắt đầu và bước đi như thế nào.
Sau vài lần vấp ngã, tôi quyết định đặt ra một vài mục tiêu ngắn hạn nhằm xây dựng động lực và định hướng rõ ràng hơn cho việc học. Để đặt ra mục tiêu, hãy tự trả lời một số câu hỏi như bạn đã biết gì về ngôn ngữ muốn học, bạn dự định đạt đến trình độ nào, bạn muốn bắt đầu từ kỹ năng nào, bạn làm thế nào để kiểm tra sự tiến bộ của bản thân?
5. Thiếu lý do
Một ngôn ngữ mới lạ sẽ khiến bạn cảm thấy phấn khích muốn lao ngay vào học, nhưng không có lý do nào khác ngoài sự tò mò nhất thời. Rất hiếm người có thể giữ niềm yêu thích hay sự tò mò này quá một tháng và nếu muốn duy trì, người học cần ít nhất một lý do rõ ràng hơn. Tôi từng say mê tiếng Italy nhưng khi không thể vượt qua bài kiểm tra đầu tiên nên đã bỏ cuộc bởi lẽ chẳng có lý do nào khiến tôi tiếp tục trụ lại và cố gắng hơn.
Nếu muốn duy trì và thành công trong việc tự học ngoại ngữ, bạn phải tìm ra lý do xác đáng luôn làm động lực để tiếp tục trau dồi. Trước khi học một ngôn ngữ mới, bạn hãy cân nhắc thật kỹ, tự trả lời “Tại sao tôi lại học ngôn ngữ này?”.
Tú Anh (theo Lindsay Williams) – Vnexpress