Sáng 27/1, công an Quảng Bình cho biết công an các đơn vị, địa phương ở tỉnh này phát hiện, bắt quả tang và lập hồ sơ xử lý 161 vụ tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, liên quan đến 160 người, thu giữ 6,95 kg pháo. Các vụ việc xảy ra chủ yếu vào đêm giao thừa (tức 25/1) và sáng mồng Một tết Nguyên đán.
Tại thị xã Ba Đồn, nhà chức trách bố trí nhiều tổ công tác, phối hợp với công an các xã, phường tuần tra kiểm soát, phát hiện và bắt quả tang 25 vụ với 25 người đốt pháo. Đặc biệt, công an huyện Bố Trạch phát hiện, bắt quả tang 52 vụ với 52 người đốt pháo trái phép. Tại huyện Lệ Thủy, nhà chức trách bắt quả tang 43 vụ với 43 người có hành vi đốt pháo.
Những người đốt pháo bị nhà chức trách mời làm việc ngay đêm giao thừa, tạm giữ hành chính và lập hồ sơ xử lý theo quy định, bị yêu cầu ra tết nộp phạt. Đồng thời, việc vi phạm được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham mưu chính quyền các địa phương tổ chức kiểm điểm trước dân.
Ngay trước giao thừa, các huyện vận động người dân tự nguyện giao nộp nhiều loại pháo, với trọng lượng hơn 150 kg, gồm 80 hộp pháo hoa, 248 quả, 296 viên pháo bi, 10 quả pháo cối.
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.
Điều 10 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng các loại pháo mà không được phép.